Triệu người vui, triệu người buồn

Trong dịp đến Việt Nam mới đây, bà đã chia sẻ về những bức ảnh chụp những người phụ nữ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh rằng: “Những người phụ nữ có gương mặt khác nhau nhưng nỗi đau trong tim giống nhau. Phụ nữ không tạo ra chiến tranh nhưng họ luôn là những người phải chịu đựng nhiều nhất”. (VietNamNet)

Ở Việt Nam, cuộc chiến tranh thống nhất đất nước đã đi qua 37 năm. Có 75 vạn người mẹ mang nặng một nỗi đau về gần 2 triệu đứa con đã để lại cuộc đời mình ở chiến trường. Những bà mẹ đó được phong anh hùng - một danh hiệu mà họ ước gì không bao giờ phải nhận.

Nhà thơ Nguyễn Duy, trong một tác phẩm của mình, đã viết: Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân đều bại!

Những người phụ nữ trong ảnh của Marissa mang những nỗi đau giống nhau trong tim. Những bà mẹ ở hai bên bờ sông Bến Hải cũng vậy.

Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi nhắc lại chiến thắng ngày 30-4-1975, đã nói rằng: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.

Hằng năm, chúng ta đều tưng bừng kỷ niệm ngày thống nhất đất nước như một chiến thắng vĩ đại. Cờ, phướn sẽ làm cho phố phường, ngõ xóm trở nên rực rỡ. Và những bài ca chiến thắng sẽ vang lên ở mọi nơi.

Để cho tâm hồn mình bay bổng trong không khí hân hoan đó, thảng hoặc chúng ta quên mất những bà mẹ đang nuốt nước mắt vào trong, những gia đình tang thương vì bom đạn. Chúng ta quên mất những bà mẹ Việt Nam mà lịch sử đã xô đẩy họ đứng ở bên kia chiến tuyến cũng mang những nỗi đau giống như nỗi đau của mọi bà mẹ trên đời.

Nếu như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng nói rằng: “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai” thì nỗi đau nào cũng là nỗi đau của cả dân tộc, không thể chỉ là của riêng ai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm