Vượt “ngưỡng văn hóa”

Điển hình có thể kể đến những tranh luận chưa có hồi kết xung quanh vấn đề tết “ta” hay tết “Tây”, vấn đề thần tượng Hàn Quốc, hay các quy định về ma chay, thờ cúng theo hướng văn minh và tiết kiệm hơn… Những cuộc tranh luận này xem ra vẫn còn kéo dài và không ai biết đâu sẽ là hồi kết. Nhưng dường như từ xưa đến nay, trong xã hội luôn tồn tại một cái “ngưỡng” hoặc một cái “mốc” mà hễ gần tới đó thì lại phát sinh những vấn đề tranh cãi.

Thử nhìn lại ngày xưa, vào thời điểm khoảng cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19. Ở giai đoạn này, các cuộc tranh luận giữa các học giả cũng đã diễn ra xung quanh các vấn đề “thế nào là truyền thống”, “thế nào là văn minh”, “thế nào là hiện đại”, “thế nào là cổ hủ”… Và rồi những câu trả lời cần thiết nhất cho từng vấn đề cũng đã dần xuất hiện trong quá trình phát triển.

Vượt “ngưỡng văn hóa” ảnh 1

Thời nay cũng vậy, dù cho có bao nhiêu vấn đề tranh cãi đi nữa rồi thời gian cũng sẽ trả lời đâu là đúng, đâu là sai. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng những tranh luận thời điểm hiện tại có nhiều điểm khác so với thời xưa. Diễn đàn tranh luận hiện nay đa dạng và rộng rãi hơn, thậm chí là “thoáng” hơn nhờ có sự phát triển của xã hội với những trợ giúp đắc lực của… Internet và các hệ thống mạng xã hội; do trình độ dân trí của nước ta đã phát triển cũng khá nhanh nên luôn có nhiều thành phần tham gia tranh luận hơn, tạo nên sự đa dạng về góc nhìn; hay do Việt Nam cũng đã trải qua quá trình hội nhập cũng khá nhiều năm nên các cuộc tranh luận thường có nhiều góc nhìn so sánh với những trường hợp cụ thể và sâu sát hơn rất nhiều so với khi xưa.

Tuy nhiên, dù có khác nhau là thế nhưng những tranh luận xưa và nay đều thể hiện một khía cạnh rất quan trọng trong tư tưởng của cộng đồng chúng ta: Đó chính là đụng vào “ngưỡng văn hóa”. Cũng như cái “ngưỡng” được nhắc tới ở trên thì cái “ngưỡng văn hóa” ở đây cũng có thể hiểu nôm na là một “cột mốc” để thay đổi cách nhìn nhận của cộng đồng về một nét văn hóa nào đấy.

Nếu chúng ta hiểu “văn hóa” theo khía cạnh “là những thứ đóng vai trò là một bộ phận quan trọng trong đời sống con người” thì việc có nhiều ý kiến ra sức gìn giữ tết ta, phản đối làn sóng hâm mộ thần tượng một cách thái quá, phản ánh rõ nhất cái khía cạnh trên. Cho dù có vượt hay không vượt cái “ngưỡng văn hóa” thì các nét văn hóa này vẫn mang tầm ảnh hưởng rất lớn. Mà cũng bởi vì là một bộ phận quan trọng nên cộng đồng sẽ lập tức cảm thấy bị “tổn thương” khi các ý tưởng bỏ tết ta, các làn sóng hâm mộ thần tượng nước ngoài một cách thái quá đụng chạm đến. Còn nếu hiểu “văn hóa” theo khía cạnh “là những yếu tố khai hóa” thì bản thân người hiểu theo nghĩa này phải tự nhận thức được cái gì là cần thiết cho cuộc sống của mình, cái gì mới cần áp dụng để thật sự mang tính “khai hóa” cho cả một cộng đồng. Dù một nét văn hóa nào đấy có vượt hay không vượt được cái “ngưỡng văn hóa” thì văn hóa mang nghĩa “khai hóa” ở đây hoàn toàn tích cực.

Vấn đề vượt qua bức tường “ngưỡng văn hóa” vẫn là một câu hỏi luôn được đặt ra. Việc tồn tại một lối sống “tiểu nông” do ảnh hưởng từ việc xuất phát là một nước nông nghiệp lúa nước đã khiến cho một bộ phận không nhỏ mang tư tưởng tự do tùy tiện, ý thức kém về gìn giữ môi trường sống, vô hình trung tạo nên một bức tường ngăn cản quá trình hội nhập quốc tế của nước ta. Một bộ phận người dân, đặc biệt là thế hệ thanh niên đang ngập mình, đắm chìm trong các loại văn hóa phẩm thứ cấp mang tính bạo lực, khiêu dâm, đề cao sức mạnh cơ bắp, tả thực các yếu tố thân xác, đề cao thói yêng hùng cá nhân mà quên mất đi những chi tiết giáo dục ý nghĩa. Chính những điều này mới là vấn đề cốt lõi gây ra những tranh cãi.

Việc vượt qua bức tường “ngưỡng văn hóa” ở đây không phải đặt vào thế phải lựa chọn cái nào văn minh, loại bỏ cái nào mang tính truyền thống. Vấn đề ở đây chính là sự trưởng thành về ý thức của cả một cộng đồng để lựa chọn cách thức tổ chức cuộc sống của mình cho phù hợp với những đổi thay của thời đại. Mà bản chất cốt lõi chính là vượt qua cái “tự ti” cố hữu của bản thân, hay nói một cách khác là hãy “mở rộng” con người mình hơn nữa để đón nhận các góc nhìn đa dạng từ nhiều ý kiến đóng góp khác nhau. Khi đó, bất cứ một vấn đề nào cũng sẽ được đánh giá một cách đúng đắn và công bằng nhất. Và dĩ nhiên xã hội cũng sẽ nhờ đó mà phát triển đi lên cách tích cực nhất.

TRƯƠNG MINH - NGHĨA HUỲNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm