Xã ‘quên’ trả giấy đỏ cho dân suốt 20 năm

Chuyện khó tin trên xảy ra ở xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Theo đó, các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ) của hộ dân thôn 7, 8, xã Vĩnh Phong được huyện cấp từ những năm 1997-1998 nhưng xã không trả cho dân mà “găm” tại trụ sở. Sự việc sau đó được xã và huyện phát hiện nhưng vẫn không trả cho dân mà huyện… thu hồi luôn các giấy đỏ này.

Xã “quên” trả giấy, huyện “giúp” lấy luôn

Ông Lưu Quý Ngành (69 tuổi, trú thôn 7, xã Vĩnh Phong) cho biết thời kỳ năm 1997-1998, UBND huyện Vĩnh Bảo đã triển khai cấp giấy đỏ cho toàn bộ hơn 900 hộ dân trong xã Vĩnh Phong. Sau khi huyện ký cấp, số giấy đỏ này đã được chuyển về UBND xã Vĩnh Phong để trao trả cho dân.

Tuy nhiên, xã Vĩnh Phong chỉ trả giấy đỏ cho người dân của sáu thôn từ 1 đến 6 của xã. Còn 175 giấy đỏ của người dân hai thôn 7 và 8 thì chỉ có 25 giấy đỏ được trả cho dân, 150 giấy đỏ bị UBND xã Vĩnh Phong “găm” lại. Theo ông Ngành, thời điểm ấy các hộ dân không được trả giấy đỏ cứ nghĩ do huyện chưa ký cấp giấy nên sự việc rơi vào quên lãng. Tới năm 2012, khi cán bộ địa chính mới của xã tiếp nhận công việc thì mới phát hiện toàn bộ giấy đỏ của người dân hai thôn 7, 8 bị “găm” trong tủ hồ sơ.

Ngay sau đó, UBND huyện Vĩnh Bảo đã kiểm tra, phát hiện sự việc. “Nhưng cả xã và huyện cùng ém nhẹm chuyện này, người dân được cấp giấy đỏ đã không hề hay biết” - ông Ngành cho hay. Theo ông Ngành, phải tới tháng 5-2016, khi nghe loa phóng thanh của xã phát đi thông báo việc chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo ra thông báo thu hồi 175 giấy đỏ đã cấp cho người dân hai thôn 7 và 8, lúc ấy người dân mới biết đã được cấp giấy đỏ từ 20 năm nay nhưng bị “găm” lại.

Về lý do thu hồi các giấy đỏ đã cấp, theo quyết định ngày 20-5-2016 do ông Nguyễn Trọng Nhưỡng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo, ký thì huyện này cho rằng do “quá trình lập hồ sơ cấp giấy đỏ, UBND xã Vĩnh Phong đã không làm đúng trình tự thủ tục”.

Người dân xã Vĩnh Phong phải nhiều lần kéo đến UBND huyện đề nghị trả lại các giấy đỏ bị “găm”. (Ảnh chụp tháng 7-2016) Ảnh: ĐỖ HOÀNG

175 giấy đỏ của người dân bị “găm” suốt 20 năm đã được trả lại khi chủ tịch UBND TP Hải Phòng chỉ đạo. Ảnh: ĐỖ HOÀNG

TP buộc huyện trả giấy đỏ cho dân

Tuy nhiên, nguyên nhân thu hồi 175 giấy đỏ của huyện Vĩnh Phong bị người dân cho rằng thiếu căn cứ và thiếu công bằng. “Thời điểm đó huyện cấp giấy đỏ cho hơn 900 hộ dân toàn xã, tại sao nay UBND huyện lại đòi thu hồi 175 giấy đỏ của riêng hai thôn chúng tôi?” - ông Ngành nói.

Cũng theo ông Ngành, từ giữa năm 2016 tới nay, người dân thôn 7 và 8 liên tục yêu cầu chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo phải trả giấy đỏ đã ký cấp cho dân từ những năm 1997-1998. Đồng thời người dân cũng đề nghị cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm những người đã “găm” giấy đỏ của dân gần 20 năm, làm ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của dân.

Sau gần hai năm người dân gửi đơn kiến nghị khắp nơi, vào ngày 26-6, trong buổi làm việc với các hộ dân thôn 7 và 8, xã Vĩnh Phong, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, đã chỉ đạo huyện Vĩnh Bảo phải trao trả các giấy đỏ cho người dân. Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu UBND huyện Vĩnh Bảo phải hủy bỏ các quyết định thu hồi 175 giấy đỏ của người dân.

Ngày 27-7 vừa qua, chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo đã phải ra quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi 175 giấy đỏ của dân theo thông báo đã ký năm 2016. Đồng thời vị này cũng ra quyết định hủy một loạt bốn quyết định đã ký năm 2017 để công nhận và chỉnh lý quyền sử dụng đất đối với 38 trong tổng số 175 hộ dân thôn 7 và 8, xã Vĩnh Phong. Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Trịnh Khắc Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo, cho biết ngay sau khi có chỉ đạo của TP, huyện Vĩnh Bảo đã tiến hành trao trả giấy đỏ cho các hộ dân thôn 7 và 8, xã Vĩnh Phong. “Tới nay gần như mọi nhà đã nhận giấy đỏ rồi, chỉ còn lại bốn hộ dân vẫn chưa chịu nhận” - ông Tiến nói.

Nhiều cán bộ xã bị xử lý kỷ luật do vụ “găm” giấy đỏ của dân

Liên quan tới việc xã Vĩnh Phong “găm” giấy đỏ của dân, từ năm 2012, ông Nguyễn Văn Quế, cán bộ địa chính xã, đã bị khai trừ khỏi Đảng; bà Hà Thị Nhẫn, nguyên chủ tịch UBND xã năm 1997, bị cách chức đảng ủy viên; ông Bùi Ánh Dương, nguyên chủ tịch UBND xã thời kỳ năm 2012, bị cách chức ủy viên Ban thường vụ, thôi giữ chức chủ tịch UBND xã.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.