Xây khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn

Khu tưởng niệm được xây trên núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn, diện tích khoảng 2 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 70 tỉ đồng theo đồ án "Người mẹ thắp lửa" do kiến trúc sư Trần Văn Dũng thiết kế. Đây cũng là khu văn hóa tâm linh để đồng bào cả nước viếng thăm, tưởng nhớ những người con đất Việt quên mình bảo vệ Hoàng Sa.

Phác thảo “Người mẹ thắp lửa” ở khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa. Ảnh: Trung Thu

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng khẳng định trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, biển đảo luôn là một phần thiêng liêng không thể tách rời, đó là xương máu, ý chí và khát vọng của tổ tiên.

Sau 42 năm, Hoàng Sa đau thương và mất mát. Ngày 19-1-1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm phi pháp toàn bộ quần đảo này. Nhưng lịch sử đất nước sẽ tạc mãi trong tâm khảm, những người con Việt đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo. Vì vậy, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị.

"Bằng công sức, mồ hôi và cả tính mạng bao đời, các thế hệ người Việt đã xác lập, quản lý và bảo vệ chủ quyền trên biển Đông; khẳng định chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" - ông Tùng nói.

Ông Tùng hy vọng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa sẽ trở thành một trong những công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước. Là nơi ghi danh, tưởng nhớ, tri ân những người con đất Việt đã quên mình bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nổi bật ở khu tưởng niệm này là tượng đài "Người mẹ thắp lửa - Ngọn lửa tưởng niệm và thắp sáng hy vọng" mang hàm ý bất kể ngày hay đêm, dù trời mưa gió, mẹ luôn đứng bên bờ biển ngóng trông, ví như ngọn hải đăng soi sáng dẫn lối các con tìm đường về.

Nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Trung Thu

"Hoàng Sa thiêng liêng trong mỗi người dân Việt. Ngọn lửa trên tay mẹ là khát vọng mong được gặp lại những đứa con của mình, cũng là khát vọng của cả dân tộc hướng về Hoàng Sa. Ngọn lửa ấy cũng chính là để tưởng niệm thế hệ cha anh đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo" - kiến trúc sư Trần Văn Dũng chia sẻ ý tưởng khi thiết kế tượng đài.

Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho biết việc đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa là cách thể hiện tấm lòng, nghĩa cử của nhân dân cả nước tri ân tiền nhân đã dâng hiến cuộc đời mình để giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

"Đây là biểu tượng thắp lên niềm tin son sắt; khẳng định với thế giới và nhắn gửi đến các thế hệ mai sau Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam" - ông Chữ nhấn mạnh.

Dịp này Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động chương trình kêu gọi toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động và nhân dân cả nước nhắn tin góp một viên gạch xây dựng khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa với cú pháp HS gửi 1407. Mỗi tin nhắn ủng hộ chương trình 20.000 đồng.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm