‘Xin Quốc hội minh xét...’

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã khẩn thiết nói như vậy vào chiều 10-11, khi Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát của Ủy ban TVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh (NLT) 10 năm qua (2004-2014)…

Đa phần các ý kiến thảo luận tại hội trường về báo cáo trên đều nêu ra hiện trạng trong khi người dân thiếu đất ở, đất sản xuất thì các NLT lại sử dụng đất đai thiếu hiệu quả. 

“Trên thực tế hiện nay trong khi người dân thiếu đất ở và đất sản xuất để an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống thì tại các NLT, các dự án thăm dò khoáng sản, các dự án trồng rừng, các dự án thủy điện lại được bố trí phần diện tích đất lớn nhưng sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích và chậm được Nhà nước thu hồi” - đại biểu (ĐB) Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) nói. 

Theo ĐB Anh, việc thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở làm cho cuộc sống của người dân lại càng khó khăn dẫn tới chuyện “dân làm liều khai thác đất, lấn chiếm đất của các công ty, của lâm trường, của chính quyền”. Và chính điều này làm nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện đất đai kéo dài trong thời gian qua.

Trước ý kiến này, Bộ trưởng Cao Đức Phát thanh minh trong lịch sử phát triển của mình, nhiều NLT (thuộc tập đoàn cao su, một số công ty lâm nghiệp ở phía Bắc, Quảng Bình…) đã có đóng góp rất lớn, nhờ đó trong nước mới hình thành được ngành cà phê, cao su, chè… thúc đẩy phát triển. Nhiều NLT là nòng cốt để chuyển giao kỹ thuật, thu mua chế biến, bảo vệ rừng, thúc đẩy kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng. “Tôi băn khoăn khi nhiều ĐBQH cho rằng đồng bào dân tộc thiếu đất ở, đất sản xuất có vẻ như là vì NLT. Tôi xin QH minh xét lại chỗ đó” - ông Phát nói.

Các ĐB cũng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sử dụng đất đai trong các NLT thiếu hiệu quả, lãng phí, sai mục đích là do công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng “quá kém”. ĐB Khá cũng cho rằng việc các NLT được giao khai thác quản lý sử dụng hàng triệu hecta đất đai nhưng chỉ nộp ngân sách trong 10 năm khoảng 1.722 tỉ đồng là không tương xứng với giá trị tài nguyên của quốc gia và ở đây có trách nhiệm của các cơ quan tài chính, thanh tra, kiểm toán…

Trước những vấn đề, câu hỏi mà ĐBQH nêu, cả hai vị tư lệnh ngành TN&MT và NN&PTNT đều nhận khuyết điểm. Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang nói: “Chúng tôi có khuyết điểm trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật… chưa quan tâm xử lý sau thanh tra nên dẫn đến việc các vi phạm sau thanh tra chưa được xử lý dứt điểm, còn kéo dài gây bức xúc trong xã hội. Chúng tôi xin nghiêm túc nhận khuyết điểm nêu trên”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng “lãnh” trách nhiệm về mình: “Bản thân tôi thấy rất rõ những khuyết điểm này và cố gắng nhưng chưa khắc phục được. Tôi xin nhận khuyết điểm này trước QH. Việc thanh tra xử lý khuyết điểm cũng chậm và không dứt điểm”.

Về giải pháp, ông Phát cũng cho biết hiện Bộ NN&PTNT đề xuất giải thể 28 NLT trong số 205 NLT quốc doanh, đồng thời bàn giao cho địa phương hơn 35 vạn hecta mà các NLT đang quản lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm