XỬ VỤ ĐỀ ÁN 112:

Ðiệp khúc “Không biết, không nhớ, không..."

Ngày 13-1, TAND TP Hà Nội đã xử sơ thẩm vụ “rút ruột” dự án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (Đề án 112) với 23 bị cáo về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Bác các yêu cầu hoãn xử

Tại phiên xử, ngoài các bị cáo, chỉ có một trong số ba nhân chứng, năm trong số 18 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tòa triệu tập đến dự.

Vì thế, sau phần thủ tục, đại diện VKS đã nêu quan điểm là những người này bắt buộc phải có mặt tại tòa. Công tố viên đề nghị: “Hội đồng xét xử nên tiến hành áp giải nhân chứng đến tham dự phiên tòa nếu họ không có lý do vắng mặt hợp lệ”. Tuy nhiên, tòa cho rằng những người này đều đã có lời khai tại cơ quan điều tra, lời khai được lưu giữ tại hồ sơ nên không cần thiết phải hoãn xử để triệu tập họ.

Ðiệp khúc “Không biết, không nhớ, không..." ảnh 1

Các bị cáo trong vụ Ðề án 112 tại phiên tòa ngày 13-1

Khi được chủ tọa hỏi ý kiến về phần thủ tục của phiên tòa, luật sư của nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đình Thuần cho rằng giám định viên là người có vai trò quan trọng trong việc xác định thiệt hại của vụ án nhưng tòa không triệu tập là thiếu sót. Từ đó, ông cùng nhiều luật sư khác đã đề nghị tòa hoãn xử để triệu tập giám định viên.

Bác bỏ ý kiến của các luật sư, chủ tọa phiên tòa cho biết vụ án này sẽ được xét xử trong nhiều ngày, khi thấy cần thiết tòa sẽ xem xét triệu tập giám định viên sau.

Chia nhỏ dự án để tư túi?

Theo công tố viên, là trưởng ban điều hành Đề án 112, bị cáo Vũ Đình Thuần đã ký 129 hợp đồng với các công ty, đơn vị từ nguồn ngân sách của nhà nước, vi phạm nghiêm trọng nhiều văn bản quy định của Chính phủ về việc thực hiện quy chế đầu thầu để tư túi 275 triệu đồng.

Cụ thể, trước khi ký hợp đồng, bị cáo Thuần đã không tìm hiểu, đàm phán với các đối tác, không lập kế hoạch đấu thầu, không chỉ đạo xây dựng hồ sơ thầu, không tổ chức đấu thầu theo đúng quy định. Việc chỉ định thầu không có giá gói thầu được phê duyệt, dùng thủ đoạn chia dự án thành nhiều hợp đồng nhỏ để tránh đấu thầu, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 4,65 tỉ đồng.

Công tố viên cũng xác định nguyên ủy viên thư ký ban điều hành Đề án 112 Lương Cao Sơn là người đã chủ mưu, khởi xướng, vì động cơ vụ lợi mà làm trái công vụ. Trong vụ án, bị cáo Sơn hưởng lợi 749 triệu đồng.

Không tiếp xúc, không nhận tiền?

Khi chủ tọa thẩm vấn, hầu hết bị cáo đều có chung một câu trả lời như nhau là: “Tôi không tiếp xúc, không nhận tiền, không sai phạm”… 

Bị cáo Thuần thừa nhận mình là người trực tiếp ký tất cả hợp đồng trên nhưng khi đặt bút ký vào hợp đồng đều có cơ quan tham mưu ký nháy. “Tôi căn cứ trên đề xuất của các tổ chuyên môn, nếu không có sai sót gì lớn thì tôi ký. Ngay cả trong hợp đồng in, tôi làm đúng theo giá cả trên thị trường. Còn tất nhiên có thể có sai sót về mặt thủ tục” - bị cáo biện hộ.

Khi chủ tọa hỏi số tiền được chia trong các hợp đồng đã ký, bị cáo Thuần chỉ thừa nhận là đã nhận 200 triệu đồng từ bị cáo Sơn nhưng “không hề biết đó là tiền gì”. Với các hợp đồng khác, bị cáo Thuần một mực phủ nhận: “Tôi chưa hề có tiếp xúc và nhận tiền hoa hồng của bất kỳ đối tác nào. Tôi hoàn toàn không nhận, không chỉ đạo, không biết gì hết, kể cả nguồn gốc số tiền tôi đã nhận từ Sơn”.

Giải thích về số tiền chia chác trong hợp đồng ký với Công ty ISA, cả hai bị cáo Sơn và Hà (nguyên giám đốc ISA) đều cho rằng đó là tiền phía đối tác nước ngoài chi trả cho ban điều hành Đề án 112 đi học tập, tập huấn, tham quan nước ngoài. Nhưng do ban điều hành Đề án 112 không tổ chức đi tham quan nên các bị cáo chia chác số tiền đó với lý do “họ cho chúng tôi”...

Tòa chất vấn bị cáo Sơn: “Nếu không thỏa thuận thì tại sao sau khi trúng thầu, bị cáo Hà chỉ đưa tiền cho bị cáo mà không đưa cho ai trong các bộ phận chuyên môn?”. Sơn đối đáp: “Cô Hà đưa tiền cho ai thì tôi không biết, chỉ là tiền tết bình thường”.

Còn bị cáo Hà khai: “Tôi có đưa quà cáp cho các anh em ở đề án vào dịp tết và tiền chăm sóc sinh nở”. Về những lời khai tại cơ quan điều tra, bị cáo nói đến giờ không thể nhớ mình đã khai gì.

Bị cáo Sơn thừa nhận những thủ tục chi tiết về đấu thầu có sai sót như công chứng các giấy bảo lãnh, thiếu chi tiết ngày tháng hay phải làm quyết định dự toán giá thầu riêng. Tuy nhiên, bị cáo bảo “chưa bao giờ gợi ý cho các đối tác chia nhỏ dự án mà đây là thao tác cơ bản của đề án này” và “không hề nhận tiền hoa hồng từ bất kỳ một ai” từ các hợp đồng khác.

Nhân viên tố “sếp”

- Bị cáo Hoàng Đăng Bảo (nguyên thư ký của bị cáo Thuần): "Sau khi ký kết hợp đồng in, bị cáo nhận tiền từ đối tác và đã mang 570 triệu đồng tiền hoa hồng về đưa cho bị cáo Sơn. Số tiền trên ban đầu được chia theo công thức của bị cáo Sơn là 20% trích quỹ, còn lại chia sáu phần, bị cáo Thuần ba phần, bị cáo Sơn hai phần, riêng bị cáo được hưởng  một  phần. Nhưng về sau bị cáo Sơn đưa bao nhiêu thì bị cáo biết được bằng ấy”...

- Tòa: Không ai thừa nhận thì việc quy kết trách nhiệm cho bị cáo đúng hay sai?

- Bị cáo Bảo: Vì mọi người không chịu nhận nên bị cáo phải nhận trách nhiệm.

THANH TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm