NHÂN NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC (20-3)

Bảo mẫu của những người mẹ đơn thân

Bà là Nguyễn Thị Mai (quê ở Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam), bảo mẫu trong ngôi nhà dành cho những bà mẹ đơn thân mang cái tên đặc biệt “The father house” - ngôi nhà của bố.

Nhà của bố nhưng không có bóng dáng đàn ông, đây là chốn dừng chân để họ được tiếp sức đi cùng con trên chặng đường phía trước.

Hạnh phúc là biết cho đi

Trong căn nhà ba tầng nằm cuối con đường Hồ Tông Thốc (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng) rộn ràng tiếng cười đùa trẻ thơ. Bốn đứa nhỏ chạy đến nắm lấy vạt áo bà Mai, dành nhau gọi “Ngoại, ngoại bế con…”. Một tay ẵm đứa nhỏ, tay kia bà dắt theo hai đứa đi tìm đồ chơi. Gần tám năm qua, bà đã chăm lo cho những cô gái trót dại mang thai, nuôi nấng bao đứa trẻ.

Trước đây bà Mai ở nhà làm nông cùng chồng và hai người con ở Điện Thọ. Cuối năm 2007, trong một lần tình cờ gặp Robert Kalatschan (người Mỹ, người sáng lập Ngôi nhà của bố), biết được tấm lòng của ông đối với những bà mẹ trẻ đơn thân, bà cảm phục và nhận ra rằng phải biết sẻ chia yêu thương với người khác để cuộc sống của mình và mọi người hạnh phúc hơn. Sau một đêm suy nghĩ, bà nhận lời làm bảo mẫu ở ngôi nhà đặc biệt này.

Hiện trong nhà có 10 bà mẹ và bảy đứa con thơ (ba bà mẹ đang mang bầu). Những người mẹ này đến với bà bởi một chữ duyên. Tình cờ, bác sĩ ở BV Thanh Khê (Đà Nẵng) báo tin rằng một cô sinh viên trốn gia đình sinh con nhưng không ai chăm sóc, phải nằm bơ vơ ở bệnh viện. Một cô bé chưa kịp mừng vì thi đậu vào ĐH thì biết mình mang thai, rồi bị người tình phụ bạc nên muốn quyên sinh, trong lúc cùng quẫn nhất thì cô bé gặp được bà Mai…

Bà Mai và đứa “cháu ngoại” bốn tháng tuổi trong Ngôi nhà của bố. Ảnh: DH

Mái ấm

Trong ngôi nhà này, nhiều bà mẹ chỉ ở lại vài tháng rồi may mắn được gia đình đón về, cũng có bà mẹ ở lại 5-6 năm. Dù đã chuyển đến nơi khác sinh sống nhưng mẹ con chị Hoàng Thị T. (quê Quảng Nam) vẫn thường xuyên “về nhà” để phụ các mẹ dọn dẹp, lo toan cho những chị em cùng cảnh ngộ.

Th., hiện đang làm kế toán cho một công ty xây dựng tại Đà Nẵng, cũng tranh thủ cuối tuần về đây chơi. Th. tâm sự: “Từ nơi đây, em đã vượt qua được khúc quanh tưởng chừng như tắc tị của cuộc đời. Giờ em sẽ gắng làm thật tốt, kiếm nhiều tiền để phụ chị em cùng cảnh ngộ”. Nhìn các thành viên trong nhà, bà Mai nhoẻn miệng cười hạnh phúc: “Chị em nó thương nhau như chị em một nhà. Nhìn các con biết đùm bọc nhau tôi cũng thấy vui. Đó cũng là một mái ấm phải không cô?”.

Nói về nơi này, bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng, cho biết: “Nhà của bố là nơi có những tấm lòng rất đáng quý, giúp đỡ được rất nhiều người mẹ đơn thân lúc ngặt nghèo. Tôi tin rằng trong mỗi người đều có lòng nhân ái, hãy biết chia sẻ yêu thương theo cách của mình để cuộc sống của chúng ta ấm áp hơn”.

Hôm nay (20-3) là năm thứ hai Việt Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc với chủ đề Yêu thương và chia sẻ. Đợt cao điểm của ngày này là Tuần lễ Hạnh phúc (16-22-3). Trong tuần lễ này, trên khắp đất nước sẽ diễn ra nhiều hoạt động như tổ chức lễ cưới tập thể cho các cặp đôi nam nữ thanh niên theo quy định bảo đảm văn minh, tiết kiệm; lễ mừng các cặp vợ chồng cao tuổi tiêu biểu hạnh phúc bền vững; gặp gỡ, giao lưu các mẹ, các chị, gia đình có thành tích nổi bật…

Ngày hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Bhutan - vương quốc bé nhỏ nằm sâu trong lục địa miền Đông Himalayas, vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.

______________________________________

Nhà của bố là chương trình của Tổ chức Trả lại tuổi thơ cho em, đây là một tổ chức phi lợi nhuận của cặp vợ chồng người Mỹ có tên Robert Kalatschan-Dorothea.

Hơn 50 bà mẹ đơn thân đã đến sinh sống trong ngôi nhà đặc biệt này. Hơn 30 người trong số đó được tiếp tục đi học ĐH-CĐ, số còn lại được học nghề để có một tương lai tươi sáng hơn. Hiện 10 bà mẹ đang sinh sống trong ngôi nhà này thì có ba người đang học ĐH tại Đà Nẵng, hai người đang học nghề may, ba người đang mang bầu sau khi sinh sẽ tiếp tục ôn thi để thi ĐH. Họ được nhận vào đây với một điều kiện là phải nuôi con. Mỗi bà mẹ và một em bé ở Nhà của bố được hỗ trợ tiền ăn, phí sinh hoạt, tiền sữa, thức ăn dặm cho bé. Tổ chức sẽ giúp các bà mẹ trẻ theo đuổi việc học của mình để sau này có điều kiện, việc làm tốt hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm