Cho thuê trai đẹp an ủi phụ nữ

Áp lực sắp đến hạn chót mà chưa hoàn thành được nhiệm vụ sếp giao? Lo lắng vì tháng này không đạt chỉ tiêu? Hoang mang không biết mình có nằm trong đợt tinh giản nhân viên sắp tới của công ty? Căng thẳng vì có lịch đi công tác mà việc gia đình khó thu xếp?... và bạn muốn khóc? Nếu là phụ nữ và ở Nhật, bạn có thể sử dụng dịch vụ được trai đẹp an ủi và lau nước mắt. Dịch vụ này có tên Ikemeso Danshi, mới vừa được công ty cùng tên của Nhật tung ra thị trường vào ngày 24-9 vừa qua. Ikemeso Danshi có nghĩa là “những anh chàng đẹp trai lau nước mắt”.

Bảy chàng trai hấp dẫn để chọn lựa

Nếu bạn cảm thấy khó khăn để khóc, anh chàng này có sẵn luôn vài cuốn video phim buồn, chàng sẽ mở và cùng xem với bạn nhằm khơi gợi dòng nước mắt của bạn để chàng hoàn thành nhiệm vụ nâng khăn lên và lau. Mục đích cuối cùng của chàng là làm thế nào để bạn có một tinh thần thư thái hơn sau một trận khóc thỏa thuê.

Cứ theo thông tin trên trang web của công ty thì bạn có thể chọn một trong bảy anh chàng đẹp trai tùy theo cá tính và sở thích của mình. Đó có thể là người em trai dễ mến, anh chàng trí thức, anh chàng bạo dạn, anh chàng có dáng vẻ nghệ sĩ, Mr Tokyo chỉn chu đứng đắn, anh chàng phong trần, anh chàng nha sĩ ngọt ngào. Các chàng trai này là những nhà trị liệu bằng nước mắt có bằng cấp, được công nhận.

Hiện Ikemeso Danshi chỉ mới phục vụ các phụ nữ gặp áp lực trong công việc. Tuy nhiên theo trang tin Odditycentral (Nhật), với các tín hiệu tích cực mà dịch vụ nhận được ngay cả trước ngày ra mắt chính thức thì rất có khả năng dịch vụ sẽ mở rộng thêm nhiều hướng. Địa bàn hoạt động ban đầu của Ikemeso Danshi là khu Kanto ở Tokyo vốn tập trung nhiều tập đoàn lớn.


Sáu trong số bảy trai đẹp thuộc bảy kiểu khác nhau được giới thiệu để các cô lựa chọn làm người lau nước mắt cho mình.

Khuyến khích bộc lộ cảm xúc “như điên”

“Những anh chàng đẹp trai lau nước mắt” là ý tưởng của doanh nhân Hiroki Tekai, vốn là một cái tên không xa lạ ở Nhật trong lĩnh vực đưa ra các ý tưởng khơi gợi, khuyến khích người Nhật bộc lộ cảm xúc, đặc biệt cao trào cảm xúc là khóc. Ông từng có nhiều ý tưởng làm dịch vụ khuyến khích người ta khóc, như tổ chức những buổi lễ đánh dấu chấm dứt một cuộc hôn nhân, nơi người ta có thể bộc lộ mọi cung bậc cảm xúc, có thể khóc cười như điên để rồi thoải mái hơn, bắt đầu cuộc sống mới.

Theo trang tin Odditycentral, có không ít nghi ngờ rằng dịch vụ này không trong sáng và khó khả thi nhưng chủ nhân ý tưởng Hiroki Terai cho biết kể từ khi ra mắt từ tuần trước, trang web đã nhận rất nhiều yêu cầu, đồng thời khẳng định đây không phải là trò lừa đảo.

Trả lời phỏng vấn của báo Mail Online (Anh), ông Hiroki Terai cho rằng: “Phụ nữ Nhật đang ngày càng phải cố gắng nhiều hơn để giữ công việc vì lực lượng nam giới quá áp đảo. Họ phải chịu áp lực khủng khiếp ở công sở, đặc biệt ở Tokyo và thường thì chỉ chịu đựng trong nước mắt âm thầm. Chúng tôi chỉ đến bên để nói lời dịu dàng và nhẹ nhàng lau nước mắt như một sự thông cảm, giúp họ có thêm năng lượng đối phó với áp lực công việc”.

Nghĩ đủ trò cho người ta khóc

Doanh nhân Hiroki Terai vốn được biết đến là một người giàu lên nhờ “kinh doanh nước mắt”. Ikemeso Danshi ra đời vì ông cảm nhận các khách hàng đã sống thanh thản và tích cực hơn sau khi khóc hết mình trong buổi lễ chia tay hôn nhân.

Ông miệt mài với các ý tưởng kiếm tìm nước mắt người dân Nhật. Năm 2013, ông tổ chức sự kiện tìm kiếm nước mắt đầu tiên ở Tokyo (gọi là Rui-katsu), chiếu phim buồn miễn phí ở một phòng khách sạn cho các khách mời từ sinh viên đến nhân viên văn phòng cả nam lẫn nữ để khơi gợi nước mắt của họ.

Năm sau đó ông cho ra mắt tập sách ảnh cũng có tên Ikemeso Danshi gồm 100 trang, nhân vật là tám người mẫu nam 20-30 tuổi khóc trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Mục tiêu nhắm đến của cuốn sách ảnh này là những phụ nữ đang muốn giảm căng thẳng, vì “nước mắt của một anh chàng đẹp trai có thể hàn gắn trái tim phụ nữ” - lời nhà xuất bản trên cuốn sách ảnh.

Gián tiếp làm… tăng dân số?

Ông Hiroki Terai không đơn độc trên con đường kiếm tìm nước mắt. Sau khởi đầu của ông, các Rui-katsu tương tự phát triển không chỉ ở Tokyo mà lan ra nhiều TP khác như Nagoya, Osaka.

Tham vọng của ông Hiroki Terai khi ra nhiều ý tưởng kiếm tìm nước mắt này là làm sống lại cảm xúc trong người dân Nhật, biến người dân Nhật từ lạnh lùng, nguyên tắc trở nên tình cảm và cần nhau.

Theo tính toán và dự đoán của báo The Guardian (Anh), dân số Nhật 126 triệu người hiện tại dự kiến sẽ giảm 1/3 vào năm 2060. Một khảo sát của The Guardian năm 2011 cho thấy khoảng 50% nam giới và phụ nữ độc thân tuổi 18-34 ở Nhật không có mối quan hệ yêu đương nào, tính tới thời điểm này con số này đã tăng 10%.

Một khảo sát khác của Hội Kế hoạch gia đình Nhật cho thấy 45% phụ nữ tuổi 16-24 và hơn 25% nam giới cùng độ tuổi không thích thú, thậm chí chán ghét tiếp xúc tình dục.

Theo báo Independent (Anh), ít nhất khóc sẽ giúp người Nhật không chai lỳ cảm xúc, nuôi dưỡng tâm hồn và làm họ cần nhau hơn. Một khi con người ta sống tình cảm và cần nhau thì khả năng phát triển dân số là có thể.

Taxi Rùa bò, cho đàn ông thuê trang phục phụ nữ

Nhật được xem như xứ sở của những ý tưởng lạ kỳ. Dịch vụ taxi Rùa bò - Japanese Turtle Taxi thuộc tập đoàn Sanwa Kotsu Group - ra đời tháng 12-2013 ở TP Yokohama phục vụ những vị khách không vội vã, muốn có những chuyến xe chạy càng chậm càng tốt. Các tài xế có kỹ thuật lái xe rất cao, có thể tăng và giảm tốc càng nhẹ nhàng càng tốt. Bất ngờ là dịch vụ độc đáo này được hưởng ứng rất nồng nhiệt, đặc biệt là những người cao tuổi, phụ nữ mang thai, mẹ đi cùng con nhỏ, khách du lịch muốn nhìn ngắm đường phố. Sanwa Kotsu Group đang tính mở rộng thêm dịch vụ vì lượng khách hàng đã tăng thêm 15% trong năm 2014.

Mary Mariee vốn là công ty chuyên cho phụ nữ thuê trang phục ở TP Chubu nhưng năm 2014 công ty mở rộng đối tượng khách hàng ra nam giới, đặc biệt trang phục cho thuê vẫn là trang phục nữ các loại. Với từ 40.000 yen (ngày trong tuần), 60.000 yen (cuối tuần) tương đương 7,4 triệu đến hơn 11 triệu đồng, nam giới sẽ có cơ hội được mặc trang phục phụ nữ và chụp ảnh. Lúc đầu trang phục cho nam giới chỉ là kimono, áo cưới nhưng sau đó vì yêu cầu mở rộng thêm trang phục công chúa trong các bộ phim cổ tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm