Những phụ nữ chết chìm trong bạo hành gia đình - Bài 2

Những trận đòn từ ‘người đàn ông của cuộc đời’

Cuối tháng 8 vừa qua, một người chồng đã đè vợ ra đổ nước sôi vào tai khiến bà bị bỏng phải nhập viện. Nhưng đó không phải lần duy nhất bà NTHL (quê Tiền Giang) bị bạo hành. Nếu không có biến cố đó, có lẽ bà vẫn tiếp tục chịu đựng bởi quan niệm: “Đã lấy chồng rồi rủi may cũng phải chịu”.

Nước mắt bà không ngừng rơi khi chia sẻ câu chuyện của mình.

Sáng công an bắt, tối cầm dao đòi giết vợ

Tôi không kìm được nước mắt khi nhớ lại ngày bị chồng đổ nước sôi vào tai. Mọi lần ổng đánh là tôi chạy nhưng bữa đó tôi nghĩ ổng cầm bình nước không chạy nhanh được nên tôi không chạy. Ổng dọa sẽ đổ nước tôi, tôi cầm cái cây dứ dứ về phía ổng nói “ông ác vừa thôi”. Không ngờ ổng túm được tôi và đổ nước sôi lên đầu, vô tai tôi. Khi người ta chở tôi đi bệnh viện, ổng cũng mặc kệ tôi sống chết ra sao.

Đêm trước đó, ổng đi nhậu xỉn té nằm trên một đống đá. Tôi nói các con đi tìm đưa ổng về nhà. Sáng hôm sau, tôi nấu sẵn ấm trà và nước sôi cho ông. Khi thức dậy, ổng bắt đầu chửi bới tôi vì những chuyện không đâu, nhớ ra chuyện gì ông chửi chuyện đó. Tôi đang ăn cơm chuẩn bị đi làm, ổng gây chuyện đánh tôi. Hàng xóm đã kéo ổng ra chỗ khác. Uất ức, tôi cãi lại và xảy ra chuyện.

Hồi mùng 2 tết ổng cũng đánh tôi, công an xã đưa ổng về trụ sở xã đến tối mới cho về. Tôi ở trong phòng, đóng chặt cửa khi thấy ông cầm dao phá cửa đòi giết tôi và con gái. Tôi luôn lo sợ một ngày nào đó, ổng có thể xuống tay. Mấy lần ổng đánh tôi, con tôi can ngăn thì ổng đánh cả con. Ổng đánh con gái bằng dao và búa, tôi phải quỳ xuống lạy van. Ổng luôn miệng nói vợ con ổng, ổng muốn làm gì là quyền của ổng.

Bà NTHL lúc điều trị tại bệnh viện khi bị chồng đổ nước sôi vào tai .

Tôi đi kiếm tiền lo cho gia đình, tôi là trụ cột chính trong gia đình. Ổng thỉnh thoảng đi làm nhưng mỗi khi về là quát nạt vợ con, chưa bao giờ đưa tiền cho tôi đi chợ. Cuộc sống mệt mỏi đúng kiểu “chồng chúa, vợ tôi”. Có những hôm tôi đi làm mướn về lúc 2, 3 giờ sáng, mở đèn lên ăn cơm liền bị ông chửi bới bởi mở đèn xốn mắt ổng. Tôi và con gái nước mắt chan cơm. Có thời gian tôi đổ bệnh, nằm BV Chợ Rẫy ổng cũng không ngó ngàng tới, khi tôi về nhà ổng còn hăm dọa “tao cho mày chết”.

Cũng vì thấy mẹ sống trong cảnh bạo hành mà con gái tôi không dám lập gia đình, nó sợ đời nó khổ giống tôi. Tôi tính cắn răng chịu đựng tới chết thì thôi, bởi phận đàn bà làm gì khác được. Tôi biết sau lần này thì tôi về tôi chết chắc, nên tôi phải đi ở nhà người thân từ hồi xuất viện tới giờ.

NTHL, quê Tiền Giang, người phụ nữ bị chồng đổ
nước sôi vào tai phải đi cấp cứu

Con bị đánh, tôi vẫn bắt con về nhà chồng

Bây giờ thì con gái tôi vẫn nằm trong BV Quân y 103 bởi chồng và nhà chồng đánh chấn thương sọ não. Đến nước này tôi mới lên tiếng vì quá uất ức, khổ thân con tôi lắm. Hôm 25-9, cháu gọi điện thoại nói bị đánh, tôi vẫn nghĩ chuyện không đến nỗi nào nên không nghe máy. Ai ngờ ra nông nỗi này.

Chuyện cũng không có gì lớn, nghe kể lại là con gái tôi nhờ chồng nó cho con ăn thì chồng nó nổi điên lên, bảo đấy là chuyện đàn bà rồi đánh vợ. Cũng nhiều lần tôi nghe nói con rể có bồ bịch bên ngoài nên về bạo hành vợ cho chóng ly hôn. Nhưng con gái tôi gả về bên nhà ấy rồi, tôi muốn hai đứa nó sống đời với nhau nên mấy lần con gái tôi đòi về nhà, tôi đều bắt phải ở lại nhà chồng.

Chị PTHM, con gái ông Phan Văn Anh, trong bệnh viện vì bị đánh chấn thương sọ não. Trước đây cô đã bị chồng đánh gãy tay (dưới). Ảnh: HỒNG MINH

Trước đây, vào ngày 3-5 con gái tôi bị chồng nhét giẻ vào mồm rồi bật nhạc thật to để không ai nghe thấy, sau đó đánh nó một trận rất dã man, gãy cả tay. Tôi nào có biết đâu, đến khi có một người hàng xóm chở nó về nhà, tôi nát cả ruột gan. Vợ tôi vẫn mang con gái về nhà bên ấy vì suy nghĩ con gái lấy chồng rồi thì có chết cũng chết ở nhà chồng. Hai bên thông gia có gây gổ nhau đợt ấy nhưng sau đó có người đứng ra dàn hòa, chúng tôi cũng muốn làm hòa để giữ gìn hạnh phúc cho con. Tôi biết nhà chồng hay dằn vặt con bé là “thấy nhà giàu muốn vào chia của”. Nhà tôi cũng không đến nỗi nào, tôi thương con đấy nhưng vẫn muốn con chịu đựng vượt qua để có hạnh phúc vuông tròn.

Nhưng đến hôm nay, tới nước này thì tôi thua rồi. Họ đánh con tôi chấn thương nhập viện, đến nay con bé vẫn chỉ nằm một chỗ, thấy là rơi nước mắt nhưng họ không một lần ghé đến xem nó thế nào.

Ông PHAN VĂN ANH, 52 tuổi (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội)

Bạo lực là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn

Bạo lực gia đình luôn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn. Bạo lực gia đình có thể do sự khác biệt về nhu cầu sinh lý cũng như do bị tác động bởi chất kích thích như bia, rượu… Hành vi bạo lực để lại những chấn thương tâm lý và thể chất không thể khắc phục trong thời gian ngắn. Khi đó, ly hôn trở thành sự giải thoát duy nhất cho người bị bạo lực.

Trong năm năm từ 2011 đến 2015, tòa án TP.HCM thụ lý các vụ án ly hôn không có yếu tố nước ngoài tăng năm sau nhiều hơn năm trước. Năm 2011 có hơn 20.600 vụ được thụ lý, đến năm 2015 đã đạt đến hơn 27.400 vụ.

(Nguồn: Trích tham luận khoa học của Thẩm phán Phạm Hồng Loan, TAND TP.HCM, tại buổi hội thảo khoa học “Giá trị văn hóa tinh thần trong gia đình đô thị hiện đại” do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức ngày 19-8)

Hơn một nửa phụ nữ bị bạo lực

Theo số liệu điều tra quốc gia 2010 (khảo sát trên 4.828 phụ nữ tuổi từ 18 đến 60), có 58,3% phụ nữ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo hành về thể chất, tinh thần hoặc tình dục, trong đó 32% chịu bạo lực về thể chất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm