Mẹ hiếm muộn chăm con mồ côi

Cách trung tâm TP Tam Kỳ chừng hơn năm cây số là Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và sơ sinh Quảng Nam.

Điều đặc biệt ở nơi này là trong số những người nuôi dưỡng các em có rất nhiều người hiếm muộn. Khi không thể có một đứa con riêng cho mình, họ đến đây để nhận nụ cười, tiếng khóc, tiếng bập bẹ bi bô của trẻ để tìm niềm vui sống dù công việc rất vất vả.

Những người mẹ đặc biệt

Vừa thấy chúng tôi, em Hồ Thị Mửng (bảy tuổi) hồ hởi lấy quyển tập ra khoe: “Hôm qua em vẽ tranh được cô cho điểm loại giỏi nè. Còn hồi sáng em viết bài được điểm 9 và còn được cô khen nữa. Cô còn nói em học cho giỏi để mai mốt được về nhà với mẹ nữa chớ”. 

Mửng sinh ra trong một gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn của một xã nghèo ở huyện Bắc Trà My. Cha em không may qua đời trong một cơn bạo bệnh bỏ lại hai mẹ con bơ vơ giữa cuộc đời. Người mẹ cũng hóa điên dại sau đó. Những lúc lên cơn đau, người mẹ thường lấy lửa châm vào người em hoặc lấy dao cứa vào người đứa con gái tội nghiệp. Mửng là một đứa trẻ may mắn khỏe mạnh trong số những em bất hạnh, mồ côi đang được cưu mang tại đây.

Chị Nguyễn Thị Ánh không rời tay khỏi đứa trẻ chừng chín tuổi bị bại não ở căn phòng dành cho trẻ khuyết tật khi tâm sự với chúng tôi. Chị nói: “Chính khát khao được một lần làm mẹ, được có con để yêu thương, chăm sóc thì cũng mãn nguyện rồi. Mình không may mắn sinh được con nhưng lại được trời cho có rất nhiều con vậy là quá tốt rồi. Đứa nào lành lặn thì mình đỡ cực, đứa nào khuyết tật thì mình thương hơn. Ở lâu với chúng nó, lo từng miếng ăn, rửa đít, thay tã… nên dần dần như khúc ruột của mình đẻ ra vậy”.

Chị Nguyễn Thị Xuyến là người có thâm niên lâu nhất trong những người mẹ ở trung tâm với gần 20 năm chăm sóc trẻ. Tâm sự về công việc, chị Xuyến không khỏi xúc động: “Cái nghề này đôi lúc mình không còn gọi là nghề nữa mà nó là tình cảm thiêng liêng của mẹ-con chúng tôi với nhau. Đã đến cái tuổi để nghỉ hưu nhưng tôi vẫn xin được ở lại đây cùng các con. Chăm sóc nó từ lúc còn là cục thịt đỏ hỏn, bón cơm, thay tã hoài rồi giờ thành thèm được làm chứ không phải ai bắt nữa, nghĩ đến việc xa chúng thì nhớ làm sao chịu được”.


Mẹ Ngọc vẫn đều đặn bổ sung kiến thức cho các em tiểu học. Ảnh: Q.NAM

Tình mẫu tử hiếm có

Khi chúng tôi đến, chị Dương Thị Ngọc đang giảng bài cho khoảng 10 em đang độ tuổi học tiểu học. Điều kỳ lạ là những đứa trẻ chưa bao giờ gọi chị Ngọc là cô giáo mà toàn gọi “mẹ Ngọc”. Chị Ngọc không giấu được hạnh phúc khi được may mắn làm mẹ của hàng chục đứa trẻ bất hạnh: “Mình không phải giáo viên chuyên đâu, biết gì thì dạy cho các con cái ấy thôi. Hoàn cảnh của các con quá khổ, ở trường còn tự ti với bạn bè nên cũng chưa tiếp thu được bài vở hết, mình phải chỉ bảo nhiều hơn”.

Các chị có thể kiếm được công việc tốt hơn nhưng khi vào đây làm rồi thì bản năng của người phụ nữ cùng với tình yêu dành cho đứa trẻ khiến họ tự nguyện gắn bó như máu mủ với những đứa trẻ bất hạnh. Một lý do nữa khiến họ gắn bó với những đứa trẻ đó chính là vì không thể sinh con, họ đến đây tìm cảm giác yêu thương con trẻ.

“Các chị luôn xem các cháu như máu mủ ruột thịt của mình. Có những chị đã được nghỉ hưu nhưng vẫn nhất quyết xin ở lại để chăm sóc cho các con. Họ thầm lặng và không kể công, tự nguyện gắn đời mình với với những đứa trẻ. Tình mẹ-con ở đây đã làm nên một gia đình” - bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc trung tâm, cho biết.

Dù số phận không ưu ái nhưng bằng sự đồng cảm, họ sẽ bù đắp cho nhau tình mẫu tử thiêng liêng mà không phải ai cũng có được.

Ông phó giám đốc cũng tìm niềm vui nơi này

Trung tâm được thành lập từ năm 1999 và hiện nay có cả thảy 85 hoàn cảnh đáng thương được cưu mang. Vợ chồng tôi cũng là người không may mắn sinh được con nên khi đến trung tâm này nguyện gắn bó để chia sớt bớt những bất hạnh mà các em phải gánh chịu. Gần 15 năm công tác, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần những đứa trẻ bị bỏ rơi được nhận về trung tâm để nuôi dạy. Điều đặc biệt là ở chính nơi đây bọn trẻ mồ côi có được những người mẹ tốt. Có lẽ chính tình yêu thương và sự đồng cảm đã khiến những mảnh đời gắn lại với nhau. Được sự chỉ bảo của các mẹ, các em đã cố gắng học tập và có những mơ ước để hoàn thiện bản thân, đó là điều đáng trân quý vô cùng.

Ông NGUYỄN MẬN, Phó Giám đốc Trung tâm
Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và sơ sinh tỉnh Quảng Nam

Lúc đầu tôi không chọn cái nghề này để làm đâu nhưng khi vào làm rồi thì mới biết được nó thiêng liêng thế nào, càng gần mấy đứa trẻ thì càng thấy yêu thương chúng. Bây giờ tuổi đã lớn rồi, lại không biết làm nghề gì nữa. Hơn nữa, đến giờ tôi vẫn chưa có một đứa con để ẵm bồng. Đến đây trước hết là tình yêu thương với con trẻ, hơn nữa là để vơi đi cái cảm giác hiu quạnh của cuộc đời vì được chăm con, được làm mẹ đúng nghĩa.

Bảo mẫu NGUYỄN THỊ XUYẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm