Tình công sở

Thời còn làm tiếp tân, trực tổng đài cho một công ty lớn, mấy lần máy tổng đài hư, các anh bên kỹ thuật lên sửa, nghịch ngợm cho tôi nghe vài cuộc điện thoại giữa các nhân viên trong công ty để thử máy. Chỉ vài cuộc nhưng chúng tôi thật sự bất ngờ, choáng váng, bởi hậu quả “nguy hiểm” nếu những người nghe trộm được không giữ mồm miệng.

Cụ thể, chúng tôi nghe anh C. phòng vật tư đang tán tỉnh chị O. dưới kho thành phẩm; rồi chị Y. thủ quỹ hỏi anh D. phòng IT đã ăn sáng bằng hộp xôi chị mới đưa chưa... Mới bấy nhiêu tôi đã vội cúp máy, sợ nghe nhiều sẽ phát hiện thêm nhiều chuyện động trời.

Thấy vẻ hoảng hốt của đứa con gái 21 tuổi là tôi lúc ấy, anh nhân viên kỹ thuật thản nhiên bảo có gì mà ngại dữ vậy, chuyện thường ngày ở huyện mà. “Nhưng...”. Anh kỹ thuật cười thành tiếng: “Nhưng cái gì? Em định nói họ đã có gia đình rồi sao còn vậy phải không? Lớn chút nữa em sẽ hiểu!”.

Quả vậy, có vẻ là “vơ đũa cả nắm” nhưng mỗi ngày “lớn” thêm một chút, tôi lại nhận ra sự đứng đắn chỉ như chiếc mặt nạ dân công sở khoác lên mặt mỗi ngày, phía sau đa phần ẩn chứa đầy giả dối.

Dù biết đọc lén thư của người khác là không nên nhưng nhờ những tiết lộ của bạn, tôi mới biết anh giám đốc khối sản xuất người nước ngoài vốn nghiêm nghị lại thường “đi đêm” với cô thư ký; cô kế toán ăn mặc kín cổng cao tường hóa ra lại là “phòng nhì” của ông kế toán trưởng đáng kính. Suy nghĩ này một lần nữa được thực tế xác nhận khi tôi chuyển sang làm ở công ty khác. Nhờ làm phòng IT mà cô bạn ở chỗ làm mới của tôi phát hiện nhiều email tán tỉnh, thậm chí tỏ tình của những người trong công ty, nhất là giới văn phòng.

Các anh chị ở nhiều phòng ban cũng chẳng thua gì các sếp. Từ đồ ăn sáng dấm dúi cho nhau, ly nước giải khát giữa buổi nhờ người phục vụ đưa tận nơi hay những chuyến công tác (tưởng chừng) ngẫu nhiên cùng nhau liên tu bất tận.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu các “đương sự” đều độc thân vui tính nhưng thực tế là ai cũng đang có gia đình đề huề. Đã vậy, trước mặt người khác, ai cũng tỏ ra khả ái, chính chuyên, thậm chí còn mạnh miệng lên án những kẻ ngoại tình, mèo mỡ.

Nhiều lần đi công tác, nói chuyện quanh mấy vụ quan hệ nhập nhèm trong công ty, tôi được nghe mấy anh tài xế kể lại việc từng chở các ông sếp và các cô nhân viên trong công ty đi ăn tối, khách sạn, quán bar, đi công tác (trá hình) đủ kiểu.

Trong công ty ông nào “cặp” với bà nào các anh đều biết nhưng vì miếng cơm manh áo nên giả mù, giả điếc. Nói ra những chuyện trong bóng tối này để mọi người đừng ngạc nhiên khi thấy cô A. năng lực dưới trung bình mà vẫn thăng tiến như diều gặp gió, anh C. công việc chả liên quan nhưng cứ đi công tác chung với chị X...

Nhờ lợi thế “nhất cự ly, nhì tốc độ”, công sở có lẽ là môi trường phát triển thuận lợi nhất cho những cuộc tình cả công khai lẫn lén lút. Dễ hiểu là do mọi người có thời gian gần gũi đồng nghiệp còn nhiều hơn gần vợ/chồng, lại cùng làm việc nên có điều kiện hỗ trợ, chăm sóc lẫn nhau, những kẻ có ý đồ tha hồ mà dụng võ. Vì thế, chuyện “lửa rơm” nơi làm việc thật khó tránh, nhất là với những kẻ yếu lòng hoặc đang buồn chán cuộc sống gia đình.

Sự gần gũi, tiếp xúc mỗi ngày giữa những đồng nghiệp là loại “virus có lợi” khiến căn bệnh say nắng đồng nghiệp như đang trở thành một loại bệnh mạn tính, dễ lây lan. Có những cuộc tình công sở chỉ là sự lợi dụng để được tăng lương, thăng chức, được thuận lợi trong công việc, hay đơn giản chỉ là chuyện đong đưa hoa lá cành cho vui nhưng không ít ca cặp với nhau lại như làm theo phong trào, cho bằng chị bằng em để chứng tỏ mình vẫn ngon (dù đã có gia đình) hay có uy (khi lọt vào mắt xanh các sếp). Với những cuộc tình kiểu này, giải pháp “trị liệu” đôi khi khá đơn giản: Chỉ cần cách ly đối tượng, chuyển công tác hay làm cho sự việc vỡ lở là đối tượng tự khắc giãn ra ngay.

Để ngăn chặn vấn nạn tình công sở, đừng trông mong vào sự tự giác của những "tội đồ", mà cần những người xung quanh đừng nhắm mắt làm ngơ khi phát hiện sự việc. Im lặng cũng là một thái độ ủng hộ, đồng lõa, che giấu cho chuyện xấu!

Theo Giao Lê (PNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm