Yêu thương muộn màng

Sau khi công ty giải thể, tôi thất nghiệp, cũng là lúc mẹ chồng kêu gọi chúng tôi về quê. Chồng tôi là con trai trưởng trong gia đình đông con. Ba chồng tôi mất sớm, mẹ ở một mình. Thấy chúng tôi tha hương, làm ăn trầm trầy trầm trật mãi, bà bảo “xứ người đắt đỏ, không họ hàng thân thuộc, mà quê mình bây giờ cũng tiến bộ nhiều, các con nên về quê với mẹ”.

Chồng tôi suy nghĩ thật nhiều về lời bàn bạc của mẹ. Anh động viên tôi về quê, rằng “mẹ dễ chịu lắm, chỉ cần em ở nhà chăm mẹ, chăm nhà cửa là được”. Việc đầu tiên, chúng tôi treo bảng bán nhà, đồng thời liên hệ nhờ người thân ở quê xin trường cho con gái tôi chuyển về học.

Tôi sinh ra ở thành phố, lớn lên xa nhà đi học, rồi đi làm, nhiều năm sống tập thể. Đến khi lấy chồng cũng chỉ quen cuộc sống tự do. Bây giờ về quê chồng, trong lòng tôi cũng lăn tăn nhiều thứ. Sợ nhất cảnh mẹ chồng nàng dâu, sợ chuyện giỗ quẩy, sợ cuộc sống lam lũ quê chồng...

Sống với mẹ hơn chục năm trời, tôi chưa kho nồi cá/thịt giống ý mẹ. Ảnh minh họa 

Vài ngày đầu, tôi đã cảm thấy nản. Nhà mẹ chồng ẩm thấp quá. Nhà rộng thênh thang mà chỉ có hai bóng điện. Xuống nhà dưới thì tắt bóng nhà trên, và ngược lại. Tôi cũng không hạp với cách nấu ăn của mẹ, vừa cay lại vừa mặn, trong khi đó chồng tôi lại tấm tắc khen ngon. Mẹ chồng tôi biết ý, bảo tôi cứ nấu theo kiểu tôi thích, rồi dần dần trong nhà có đến hai nồi cơm, hai cái bếp.

Sống với mẹ hơn chục năm trời, tôi chưa kho nồi cá/thịt giống ý mẹ. Không phải tôi không biết cách kho, vì nếu muốn học hỏi, mẹ sẽ chỉ dạy, nhưng nghĩ mẹ dễ tính, lại còn khỏe, mẹ có thể tự nấu ăn được. Chồng tôi cũng không có ý kiến gì. Giữa tôi và mẹ cũng chưa một lần cãi cọ, dù tôi biết cả hai chưa thật sự hài lòng về nhau.

Ở quê chồng, tôi sợ nhất mùa mưa lũ. Nhà mẹ ở vùng trũng, chỉ cần mưa lớn vài ngày là đã “no” nước, nên phải thường xuyên dọn đồ đạc lên gác, rồi lại dọn trở xuống để có cái mà dùng. Mà dọn lũ khổ lắm, nhìn đâu cũng thấy bùn non, phải kỳ cọ sạch những gì bị thấm nước bùn. Giờ tôi đã hiểu vì sao nhà mẹ luôn ẩm thấp.

Vậy nên, tới mùa lũ, tôi hay kiếm chuyện về quê mình, khi thì nhớ nhà, nhớ quê, nhớ ba, nhớ mẹ, giỗ nội, giỗ ngoại, mừng thọ ba, mẹ... Phải công nhận rằng, mẹ chồng và chồng tôi dễ chịu thật, cứ để dâu/vợ làm những gì mình thích. Có lần đang ở nhà ba mẹ ruột, tôi nghe đài khí tượng thủy văn dự báo sẽ có cơn bão lớn chưa từng thấy đổ bộ vào quê chồng tôi, kèm mưa to, khả năng lũ cao. Tôi rất lo lắng cho những người thân ở quê chồng, cảm thấy thương mẹ vất vả bao năm nay. Tôi cầu mong bão chuyển hướng. Và khi bão vừa tan, tôi cảm thấy áy náy, vội lật đật trở về quê chồng trước dự định hai tuần lễ.

Về đến nhà mới hay mẹ bị té ngã, gãy khớp háng, phải mổ. Hình như lần đầu tiên tôi nấu cháo cho mẹ, vì mẹ ở viện, chứ không như ở nhà mà tự dậy tay nấu cháo. Lúc bấy giờ, các em chồng tôi từ Sài Gòn, Hà Nội đều về chăm sóc mẹ, nấu những miếng ăn ngon, hợp khẩu vị với mẹ, cho cả nhà nữa. Mà người bệnh, lại người già thì ăn có được bao nhiêu! Nàng dâu trưởng là tôi trở nên lúng túng trước cách đối đãi của các em chồng, giống y chang mẹ chồng: không muốn làm phiền tôi, không muốn gây áp lực, và luôn tôn trọng ý kiến tôi.

Tôi chợt thấy mình ích kỷ, nhỏ nhen quá. Lẽ ra làm dâu trưởng, tôi phải cáng đáng nhiều việc thay mẹ. Dù về tiếp quản giang sơn nhà chồng vào tuổi 40, cũng phải gắng học hỏi, chứ không thể đổ lỗi “tại mẹ kêu về” mãi.

Cùng lúc, các bác sĩ phát hiện mẹ chồng tôi bị ung thư vú giai đoạn cuối. Đến lúc này tôi thật sự hối hận vì cách hành xử của đứa con dâu trưởng như tôi. Tôi ít khi tâm tình với mẹ, không nói ra nhưng mẹ biết tôi chê mẹ nghèo, quê mùa, cả đời không thoát khỏi lũy tre làng. Ở bệnh viện một thời gian thì bác sĩ “chạy”, bảo chúng tôi có gì ngon thì cho mẹ ăn, giờ phút này không kiêng cử gì nữa...

Biết mình khó qua khỏi, mẹ chỉ chỗ cho tôi vào lấy ra số tiền kha khá, bảo chi một ít cho đám tang mẹ, số còn lại để vợ chồng tôi xây mới nhà cửa thật chắn chắn, vì quê mình hay bão lũ.

Sống cùng mẹ, mới thấy mẹ tằn tiện cả đời. Tôi cũng từng tỏ ra xem thường sự tằn tiện của mẹ. Để rồi hôm nay, số tiền lớn ấy là những chắt chiu dành dụm. Các con ở Sài Gòn, Hà Nội gửi tiền sinh hoạt cho mẹ hàng tháng, mẹ không dám ăn, không dám mặc, mà dành cất nhà tránh bão cho con. Tôi ân hận. Tôi trách mình. Tôi muốn sự sống của mẹ kéo dài ra hơn nữa, để tôi có cợ hội thể hiện chút lòng biết ơn với mẹ.

Tôi nhớ mãi câu nói của mẹ về các con dâu “đứa nào thương mẹ chừng nào thì mẹ nhờ chừng đó, chứ tình thương sao có thể ép uổng”. Mẹ ơi, đã quá muộn để con thể hiện tình thương yêu với mẹ rồi!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm