170 ngày giam oan và 36,5 triệu đồng

Ngày 24-10, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận một phần kháng cáo, sửa án sơ thẩm vụ bà Đỗ Thị Lộc (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM) kiện đòi VKSND quận 1 bồi thường oan. Tòa buộc VKSND quận 1 bồi thường cho bà Lộc thêm hơn 28 triệu đồng.

Trước đó, bà Lộc từng được bồi thường gần 8,5 triệu đồng. Như vậy, tổng cộng bà được bồi thường 36,5 triệu đồng cho 170 ngày bị giam oan và 19 ngày bị khởi tố (tại ngoại).

Đã xin lỗi và bồi thường

Theo hồ sơ, cuối tháng 6-1992, bà Lộc bị khởi tố và hơn nửa tháng sau đó, bà bị VKS quận 1 phê chuẩn lệnh tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN. Ngày 31-12-1992, viện này ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bà Lộc vì không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Ngày 11-6-2006, bà Lộc có đơn yêu cầu VKS quận 1 bồi thường gần 128 triệu đồng vì bị giam oan. Hai tháng sau, khi thương lượng, bà Lộc yêu cầu bồi thường các khoản thiệt hại tinh thần, chi phí cấp dưỡng cho người cô họ mà bà trực tiếp nuôi dưỡng và thu nhập thực tế bị mất, tổng cộng gần 130 triệu đồng. Ngoài ra, bà còn yêu cầu khoản tiền bù đắp (không nêu cụ thể) do bà bị bệnh trong hai năm sau ngày bị bắt. Tuy nhiên, VKS quận 1 chỉ đồng ý bồi thường 8,84 triệu đồng.

170 ngày giam oan và 36,5 triệu đồng ảnh 1

Bà Đỗ Thị Xuân, em gái của bà Đỗ Thị Lộc, bày tỏ sự thất vọng sau phiên tòa phúc thẩm hôm qua, 24-10. Ảnh: HY

Không đồng ý, bà Lộc khởi kiện ra tòa. Xử sơ thẩm (lần 1, vào tháng 5-2007), TAND quận 1 đã buộc VKS quận này bồi thường cho bà Lộc gần 8,5 triệu đồng. Đó là bốn khoản: tổn thất tinh thần trong 19 ngày bị khởi tố, 75 ngày bị tạm giam, 95 ngày tại ngoại đến khi vụ án được đình chỉ và thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất. Đồng thời, tòa buộc VKS phải xin lỗi công khai tại nơi bà Lộc cư trú và đăng lời xin lỗi liên tục trong ba số báo trên một báo trung ương và một báo địa phương.

Bà Lộc kháng cáo nhưng sau đó TAND TP đã bác và tuyên y án sơ thẩm.

Sau đó, VKS quận 1 đã bồi thường và xin lỗi như án tuyên.

Tuy nhiên, bà Lộc vẫn tiếp tục khiếu nại vì cho rằng số ngày bà bị tạm giam nhiều hơn.

Xác định lại số ngày bị giam oan

Đến tháng 4-2011, Tòa Dân sự TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm trên để làm rõ thực sự bà Lộc được trả tự do ngày 28-9-1992 hay ngày 31-12-1992 để áp dụng việc bồi thường thiệt hại cho chính xác.

Do không có chứng cứ từ phía công an cung cấp, tòa cho đôi bên đối chất để làm rõ thời điểm bà Lộc được trả tự do. Hai bên thống nhất bà Lộc được trả tự do ngày 31-12-1992, tức số ngày bà bị giam oan là 170 ngày và 19 ngày bị khởi tố tại ngoại.

Xử sơ thẩm lần 2, bà Lộc yêu cầu bồi thường 121 triệu đồng cho các khoản đã nêu trước đó. Tính theo hệ số trượt giá, bà Lộc yêu cầu viện phải bồi thường hơn 360 triệu đồng. Tuy nhiên, TAND TP chỉ tuyên buộc VKS phải bồi thường thêm gần 15 triệu đồng ngoài khoản bà Lộc đã nhận trước đó (gần 8,5 triệu đồng).

Bà Lộc tiếp tục kháng cáo.

Thu nhập thực tế dựa vào lương cơ bản?

Tại phiên phúc thẩm hôm qua, bà Đỗ Thị Xuân (em gái và là đại diện cho bà Lộc tham gia tố tụng) yêu cầu tòa hủy án để xem xét lại việc bồi thường chưa thỏa đáng của án sơ thẩm. Theo bà, thu nhập thực tế của bà Lộc bị mất phải tính theo mức 100.000 đồng/ngày vì bà Lộc buôn bán có đóng thuế, không thể tính theo lương tối thiểu...

HĐXX ra sức hòa giải để đôi bên thương lượng mức bồi thường cho thỏa đáng nhưng không được. Phía VKS quận 1 cho rằng trường hợp người cấp dưỡng mà phía nguyên đơn nêu không đúng luật và các khoản đòi bồi thường khác là không thỏa đáng. Ví dụ, trước khi bị bắt bà Lộc đã có bệnh, tình trạng bệnh hiện nay là do lão hóa, không thể nói là do bị bắt giam.

Cuối cùng, HĐXX đồng tình với cấp sơ thẩm trong việc bác các yêu cầu của nguyên đơn. Cụ thể, phía nguyên đơn không cung cấp được các chứng cứ chứng minh để yêu cầu đòi bồi thường tổn hại sức khỏe. Đồng thời, nguyên đơn cũng không có chứng cứ chứng minh nghĩa vụ nuôi bà cô là của mình để chi tiền ăn ở, thuốc men trong thời gian bà Lộc bị tạm giam và thuê người chăm sóc bà cô đến khi chết. Tuy nhiên, hai yêu cầu mà tòa sơ thẩm chấp nhận cho phía nguyên đơn tòa này tính chưa chính xác nên cần sửa lại như đã nói ở đầu bài.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm