Băn khoăn về tội danh tham ô

Tòa Hình sự nêu vướng mắc lớn nhất hiện nay là đối với các doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm một tỉ lệ vốn nhất định (10% đến dưới 50%, hoặc trên 50% nhưng nhà nước không chi phối) thì có tội tham ô tài sản trong các doanh nghiệp đó hay không.

Băn khoăn về tội danh tham ô ảnh 1

Một phiên tòa xử tham ô ở Đồng Nai. Ảnh: THÁI BÌNH

Ba quan điểm về phạm tội tham ô

Tiêu điểm

15 vụ tham nhũng được Công an TP.HCM khởi tố trong năm 2009.

Tòa Hình sự cho biết quan điểm thứ nhất cho rằng dù doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 hay Luật Doanh nghiệp năm 1999 mà ở đó tỉ lệ vốn góp của nhà nước không kể nhiều hay ít thì ở nơi đó vẫn có thể có tội tham ô xảy ra.

Theo quan điểm này thì vốn nhà nước góp từ 10% trở lên là đã có yếu tố nhà nước cho nên người nào chiếm đoạt, tham ô tài sản của doanh nghiệp đều có thể vướng vào tội danh này.

Quan điểm thứ hai có chút khác biệt. Theo đó, tội tham ô tài sản chỉ có thể xảy ra trong các doanh nghiệp nhà nước được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003. Còn đối với những doanh nghiệp khác, tuy nhà nước có một phần vốn góp nhưng dưới 50% thì ở đó không có tội danh này. Nghĩa là người nào chiếm đoạt, tham ô tài sản của doanh nghiệp không phạm tội tham ô mà có thể phạm vào tội danh khác.

Cuối cùng, quan điểm thứ ba khắt khe hơn khi cho rằng nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp có tỉ lệ vốn góp nhà nước thì phải bị truy cứu về hai tội là tội tham ô tài sản đối với phần vốn góp của nhà nước và tội phạm tương ứng (có thể là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trộm cắp, lừa đảo…) phần vốn không phải của nhà nước. Ví dụ thủ quỹ A đã chiếm đoạt của công ty 800 triệu đồng. Công ty có 20% vốn góp của nhà nước. Trường hợp này phải truy cứu A về tội tham ô tài sản với số tiền 160 triệu đồng và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền 640 triệu đồng.

Vốn nhà nước chiếm 1/2 mới phạm tội!

Tuy nhiên, Tòa Hình sự không hoàn toàn đồng ý với các quan điểm trên. Tòa này khẳng định quan điểm của mình là với các doanh nghiệp không có vốn của nhà nước góp vào thì dứt khoát không có tội tham ô dù rằng người phạm tội có lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Ở đây, tùy trường hợp có thể phạm tội lạm dụng tín nhiệm, hoặc lừa đảo, hoặc tội trộm cắp tài sản.

Đồng thời, các doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước mà từ 50% trở xuống và nhà nước không giữ quyền chi phối doanh nghiệp đó thì ở đó cũng không có tội danh này.

Ngoài ra, Tòa Hình sự còn cho biết thêm, tài sản là đối tượng tác động của tội tham ô phải là tài sản thuộc “công sản”, kinh phí hoạt động và các tài sản khác được giao cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị… quản lý; giá trị quyền sử dụng đất được tính vào vốn của công ty theo quy định của Luật Đất đai…

Người bình thường cũng có thể phạm tội tham ô

Theo Tòa Hình sự, chủ thể của tội tham ô là người có chức vụ. Theo đó, họ là người do bổ nhiệm, bầu cử, hợp đồng, hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn trong khi thực hiện công vụ.

Tòa Hình sự nhìn nhận thêm, thời gian qua do chưa có hướng dẫn cụ thể nên trong thực tiễn, các cơ quan tố tụng thường lúng túng khi xác định chủ thể này. Tuy nhiên mới đây, Luật Phòng chống tham nhũng đã liệt kê khá rõ về chủ thể trên bao gồm cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước… Do vậy khi xử lý, các cơ quan tố tụng cần coi đây là căn cứ quan trọng để xác định chủ thể của tội tham ô.

Đồng thời, Tòa Hình sự khẳng định ngoài những chủ thể trên, những người khác cũng có thể phạm vào tội tham ô nếu họ là người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức trong vụ án tham ô có đồng phạm.

Trên 50% mới phạm tội

Tôi đồng ý với quan điểm những doanh nghiệp mà nhà nước chiếm tỉ lệ vốn góp trên 50% và giữ quyền chi phối doanh nghiệp đó; đồng thời người thực hiện hành vi chiếm đoạt là người thỏa mãn các dấu hiệu về chủ thể của tội tham ô thì ở đó mới xuất hiện tội tham ô. Bởi lẽ với tỉ lệ vốn góp này và với sự chi phối nhất định (trên 50%) về vốn góp của nhà nước thì mới thể hiện được bản chất của hành vi vi phạm đến tài sản của nhà nước.

Thạc sĩ Đỗ THANH TRUNG, Trường Đại học Luật TP.HCM

Vốn ít cũng phạm tội

Tôi lại đồng ý với quan điểm thứ nhất cho rằng dù doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 hay Luật Doanh nghiệp năm 1999 mà ở đó tỉ lệ vốn góp của nhà nước không kể nhiều hay ít thì ở nơi đó vẫn có thể có tội tham ô xảy ra. Bởi dù gì đi nữa, 1 đồng cũng là của nhà nước, ai xâm phạm đều là tham ô.

Luật sư PHAN THANH SƠN, Đoàn Luật sư tỉnh Dăk Lăk

 Có thể phạm hai tội

Riêng tôi lại thống nhất với quan điểm nếu ai đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp có tỉ lệ vốn góp nhà nước thì phải bị truy cứu về hai tội là tội tham ô tài sản đối với phần vốn góp của nhà nước và tội phạm tương ứng phần vốn không phải của nhà nước như trong ví dụ mà bài báo đã nêu.

Luật sư NGUYỄN THÀNH VĨNH, Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre

ĐỨC MINH - KHẢI HÀ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm