Bò con lạc mẹ

Năm trước, hai người dân cùng ở xã Quế Phong (Quế Sơn, Quảng Nam) đã đưa nhau ra tòa để tranh nhau một chú bò con lạc mẹ.

Ai cũng bảo bò của mình

Nguyên đơn kể rằng bàcó một con bò lông vàng 10 tháng tuổi. Do bò mẹ đang mang thai lần hai, sợ bò con quấy phá làm bò mẹ mệt nên bà không cho bò con theo mẹ, chỉ cho theo bầy. Một hôm, chú bò con bị chó đuổi rát đã chạy lạc, nhập vào đàn bò của anh B. ở cùng xã.

Biết tin, bà đến nhà anh này xin lại bò. Tới nơi, bà được anh B. cho hay bị đơn đã đến nhận bò của mình và dắt bò về từ mấy hôm trước. Bà lại quày quả sang nhà bị đơn báo rằng ông dắt nhầm bò con của bà nên cho phép bà được đưa bò về nhà…

Nghe nguyên đơn nói, bị đơn tròn mắt ngạc nhiên. Ông này lắc đầu bảo là bà nói bậy, đây là bò của ông chứ không phải bò của ai hết. Ông cho biết từ hôm bò mẹ sa hố chết, ông thả bò con trên núi tự do kiếm ăn. Sau đó, nó đi lang thang rồi cũng… lạc bầy. Khi biết nó theo đàn bò của anh B., ông gửi nhờ anh này chăm sóc. Vừa rồi, anh B. nhắn ông qua dẫn bò về.

Bò con lạc mẹ ảnh 1

Sau một hồi thương thảo không thành, bà gợi ý: “Tui mang bò mẹ sang, nếu mẹ con nó nhận nhau thì ông phải trả cho tui”.

Trước phương án cuối cùng này, bị đơn cũng không đồng ý. Thế là nguyên đơn phải nhờ tòa can thiệp.

Trả bò được nhận tiền công

Xử sơ thẩm,TAND huyện Quế Sơn nhận định nguyên đơn yêu cầu đưa bò mẹ đến để nó nhận con là hoàn toàn chính đáng. Bị đơn nại rằng bò con bị mất mẹ lâu ngày nên gặp bò mẹ nào cũng theo là không có cơ sở. Bởi thực tế, đàn bò của ông có rất nhiều bò mẹ nhưng con bò con này không theo bò mẹ nào. Bị đơn cũng không xác định được sau khi bò mẹ chết thì bò con còn sống hay đã chết với thời tiết giá rét trong rừng.

Do vậy, tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận con bò bị thất lạc thuộc sở hữu của bà.

Tuy nhiên, tòa giao con bò trên cho bị đơn tiếp tục chăn dắt. Bù lại, bị đơn phải trả cho nguyên đơn 1 triệu đồng, tương đương giá trị bò con khi ông này dắt nhầm.

Không đồng ý với phán quyết của tòa, cả nguyên đơn, bị đơn đều kháng cáo. Nguyên đơn kiên quyết đòi bị đơn phải trả lại bò. Bị đơn khăng khăng bò con là của ông, không trả cho ai hết.

Đưa ra xử phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Nam đã chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa một phần bản án sơ thẩm, buộc bị đơn phải trả lại bò con. Tòa nhìn nhận bị đơn không đưa ra được chứng cứ nào chứng minh con bò lạc này là bò của ông.

Đồng thời, tòa cũng tuyên xử nguyên đơn phải trả lại cho bị đơn 300.000 đồng tiền công chăn dắt.

Đánh dấu bò để phân biệt

Những tranh chấp dạng này đôi khi phải kết hợp những chứng cứ cụ thể như bò có dấu hiệu gì đặc biệt (cụt đuôi, đốm đen, chột mắt…), thời điểm, hoàn cảnh lạc… với những phương pháp dân gian là bò theo mẹ… để xác định bò của ai. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng xử dễ vì có những tranh chấp khó xác định. Ai cũng có cái lý của mình.

Ở các địa phương miền núi và trung du miền Trung, người dân nuôi bò thường thả bò tự do kiếm ăn trên rừng, trên rẫy. Khi bò mẹ chết, bò con bị lạc bầy, đi theo đàn bò khác. Thiết nghĩ ngành thú y nên hướng dẫn bà con tự làm dấu vết đặc biệt trên đàn bò của mình thì việc xác định bò của ai sẽ dễ dàng hơn khi có tranh chấp.

Luật sư PHAN THANH SƠN, Đoàn Luật sư tỉnh Dăk Lăk

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm