Che giấu việc mất gas, chưa rõ tội danh

Năm 2008, sau khi được bổ nhiệm làm trưởng phòng khai thác (bổ nhiệm miệng, không có quyết định chính thức) một công ty liên doanh kinh doanh gas, Nguyễn Hoàng Đức Trí đã phát hiện công ty mất hơn 500 tấn gas (hơn 8 tỉ đồng). Dựa vào số vốn sở hữu là 14% (tương đương 53 tấn gas), Nhà nước bị thiệt hại hơn 800 triệu đồng.

Làm báo cáo giả

Thay vì báo cáo trung thực, Trí lại làm báo cáo giả để che giấu. Đến cuối tháng 9-2008, không tìm ra nguyên nhân thất thoát gas Trí mới báo với lãnh đạo... Sau đó, Trí bị khởi tố, truy tố về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Viện cho rằng Trí đã gián tiếp gây hậu quả khi không báo cáo thật tình trạng mất gas...

Mới đây, TAND TP.HCM đã đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, bị cáo lẫn luật sư đều bảo bị cáo không phạm tội như cáo trạng nêu. Tội cố ý làm trái chỉ áp dụng đối với những chủ thể có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước. Còn trong công ty liên doanh, vốn điều lệ Nhà nước phải chiếm từ 50% trở lên... Do vậy, có chăng bị cáo chỉ phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Che giấu việc mất gas, chưa rõ tội danh ảnh 1

Do thấy còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, tòa đã quyết định hoãn phiên xử.

Nhiều tranh cãi về tội danh

Xung quanh tội danh của bị cáo Trí đã có nhiều quan điểm khác nhau. Một quan điểm đồng tình với truy tố của viện, cho rằng theo quy định, người có chức vụ, quyền hạn ở đây không bắt buộc phải là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước... mà chỉ cần là người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý số vốn của Nhà nước trong bất cứ một tổ chức, cơ quan nào. Mặt khác, dù vốn Nhà nước trong công ty liên doanh chỉ 1% nhưng cũng là của Nhà nước. Bị cáo làm thất thoát tiền Nhà nước trong 1% đó thì vẫn phải chịu trách nhiệm theo tội cố ý làm trái... Quy định của điều luật không phụ thuộc tỉ lệ % vốn Nhà nước trong công ty.

Ngược lại, một số ý kiến bảo hành vi làm báo cáo giả trên, bị cáo chỉ có thể phạm tội thiếu trách nhiệm... Bởi bị cáo chỉ thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý mới dẫn đến mất mát chứ không hề cố ý làm trái gì để hưởng lợi gì trong vụ việc này cả. Quan điểm này phân tích thêm, vấn đề cần phải tập trung làm rõ trong vụ án này là phải tìm ra được chủ thể phạm tội là ai. Cá nhân nào lấy trộm số gas trên. Bởi có hậu quả xảy ra tức phải có người đứng ra khắc phục. Bị cáo Trí chỉ vì sợ thiếu trách nhiệm, sợ bị cơ quan kỷ luật do không làm tròn trách nhiệm được giao... chứ không phải là người lấy trộm gas.

Một quan điểm nữa lại cho rằng bị cáo phạm tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế. Theo quan điểm này, phải xác định rõ ràng rằng hành vi phạm tội của Trí thực hiện không nhằm chiếm đoạt số tiền mất gas. Khi nhận nhiệm vụ trưởng phòng, Trí làm báo cáo thì phát hiện việc mất gas. Trí đã có những động cơ nhất định (như sợ mất chức...) nên báo cáo với cơ quan những số liệu, tài liệu rõ ràng, không đúng sự thật gây hậu quả nghiêm trọng... Do vậy, có chăng thì chỉ có thể truy cứu Trí theo tội báo cáo sai...

Tội thiếu trách nhiệm...

Theo tôi, trong trường hợp này nếu truy tố ở tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì rõ ràng và cụ thể hơn. Nhiệm vụ quản lý của bị cáo là tổng hợp báo cáo số liệu một cách trung thực. Nhưng vì một lý do nào đó (không có vụ lợi cá nhân), Trí đã không làm đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nên đã thiếu trách nhiệm. Nếu truy tố về tội cố ý làm trái thì chưa chuẩn vì tội danh này phải dành cho người có chức vụ như quản đốc hay giám đốc…

Thẩm phán NGUYỄN MINH HOÀNG,
Chánh án TAND TP Buôn Ma Thuột (Dăk Lăk)

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm