Cho rút hồ sơ tặng đất, xã đúng hay sai

Người con ký hợp đồng tặng mẹ quyền sử dụng một lô đất và đã được UBND xã chứng thực. Trong khi chờ làm thủ tục chuyển quyền, người con bỗng dưng đổi ý, rút hồ sơ về. Người mẹ không đồng ý nên đã kiện vì bảo xã cho con bà rút hồ sơ là sai…

Lúc tặng, lúc không

Trước đây, để tiện việc vay vốn ngân hàng, phục vụ việc kinh doanh của con, bà T. (Tiền Giang) đã ra xã lập hợp đồng tặng cho con một lô đất. Sau một thời gian, thấy người con làm ăn hiệu quả, tạo được cơ sở kinh doanh, bà T. yêu cầu con trả lại lô đất trên.

Cuối năm 2011, người con cũng đã đến UBND xã lập hợp đồng tặng lại mẹ lô đất này. Toàn bộ hồ sơ được xã lập theo thủ tục để chờ chuyển lên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện nhằm cấp giấy cho người mẹ. Thế nhưng về nhà được vài ngày, người con đổi ý nên vội vàng ra xã rút toàn bộ giao kết. Xã đồng ý giao lại hồ sơ...

Cho rút hồ sơ tặng đất, xã đúng hay sai ảnh 1

Phần bà T., theo đúng giấy hẹn, bà đến xã xem nơi đây đã chuyển hồ sơ hay chưa thì mới hay chuyện con “bẻ cò”. Bà phản ứng cho rằng xã trả hồ sơ lại cho con bà là không đúng. Khi hợp đồng tặng cho đã ký thì bà đã có toàn quyền sử dụng đối với lô đất…

Đất là của người mẹ?

Vụ việc trên đã có nhiều quan điểm khác nhau. Một số ý kiến cho rằng UBND xã làm sai. Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa người mẹ và người con hoàn toàn tự nguyện, đã được xã chứng thực. Mặt khác, khoản 1 Điều 168 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định: “Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Khi hai mẹ con ký hợp đồng và nộp hồ sơ tại xã có nghĩa là người được tặng cho đã đăng ký quyền sở hữu (ở đây là quyền sử dụng đất) theo đúng trình tự, thủ tục. Do vậy, UBND xã cho người con rút hồ sơ là không đúng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người mẹ.

Thế nhưng ý kiến khác lập luận cách làm của xã đã đúng quy định. Điều 688, Điều 692 BLDS; Điều 46 Luật Đất đai xác định hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất. Ở đây, hồ sơ của bà T. chưa được chuyển đến đăng ký tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất nên chưa có hiệu lực, chưa thể xác lập quyền sử dụng cho bà. Lúc này, UBND xã hoàn toàn có cơ sở khi trả hồ sơ cho người con.

Xã làm đúng!

Ý kiến viện dẫn khoản 1 Điều 168 BLDS để cho rằng UBND trả hồ sơ sai là không chuẩn xác. Điều luật này phải được hiểu là dùng trong những trường hợp chuyển quyền sở hữu với bất động sản như nhà cửa, giếng nước… Ngoài ra, điều luật cũng quy định là sẽ không được áp dụng nếu có quy định khác. Trong giao dịch liên quan đến đất đai chỉ có thể chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất. BLDS và Luật Đất đai cũng đã có quy định riêng về trường hợp này như đã nêu ở trên nên không thể áp dụng quy định ở Điều 168 BLDS để xử lý. Tôi cho rằng vụ việc trên UBND xã đã xử lý đúng vì hợp đồng tặng cho giữa hai mẹ con chưa có hiệu lực.

Luật sư LÊ NGỌC CẢNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

MINH KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy