Choảng nhau vì ly rượu mời

Theo hồ sơ, tối 3-6, tại một quán nhậu, Nguyễn Hoàng Huy được Nguyễn Quốc Khánh ngồi bàn kế bên mời uống một ly chung vui. Huy từ chối nên bị Khánh hất cả ly rượu vào người. Hai bên xô xát nhưng được can ngăn.

Kẻ đánh, người đâm

Trên đường về, cả hai lại gặp nhau và tiếp tục cự cãi. Khánh chạy tìm được một ống tuýp sắt rồi vung lên đánh mạnh vào đầu Huy làm bể cả mũ bảo hiểm. Trong lúc Huy còn lúng túng, Khánh vụt thêm vài phát nữa vào người nạn nhân.

Lúc này, Huy rút dao mang sẵn trong người ra đâm trúng đùi, cổ Khánh rồi bỏ chạy. Cơ quan điều tra Công an huyện huyện Long Mỹ (Hậu Giang) xác định Huy bị tấn công trước nhưng thực tế vẫn có sự lựa chọn khác như bỏ chạy để tránh. Chưa kể, Huy đã thủ sẵn dao trong người chuẩn bị trước cho việc đánh nhau. Thêm nữa, Huy dùng hung khí nguy hiểm tấn công nạn nhân nên dù tỉ lệ thương tật của Khánh chỉ 8%, Huy vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích.

Choảng nhau vì ly rượu mời ảnh 1

Phòng vệ chính đáng?

Luật sư Vưu Văn Kía (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu) và luật sư Huỳnh Kim Nga (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng xử lý Huy về tội cố ý gây thương tích là chưa đúng. Trường hợp này, Huy không phạm vào tội danh trên. Huy bị tấn công liên tục bằng ống tuýp sắt vào đầu là vùng trọng yếu trên cơ thể nên có quyền phòng vệ để chống trả hợp lý đối với sự tấn công. Xét về tương quan, con dao và ống tuýp sắt đều cùng là hung khí nguy hiểm. Huy dùng dao chống trả gây thương tật cho Khánh 8% rồi dừng lại là hành vi chống trả cần thiết.

Luật sư Hoàng Kim Vinh (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) cũng cho rằng Huy đã có hành vi phòng vệ. Tuy nhiên, Huy phòng vệ chính đáng hay vượt quá việc phòng vệ chính đáng thì cần phải xem xét rõ. Thế nhưng nếu cho rằng hành vi của Huy là vượt quá giới hạn phòng vệ để truy cứu về tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo ?i?u 106 BLHS Điều 106 BLHS thì cũng không thể. Điều luật này quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bị phạt... Ở đây, Huy chỉ gây thương tật cho nạn nhân 8% nên cũng không thể bị truy cứu về tội danh này.

Truy cứu đúng tội danh

Theo khoa học luật hình sự, quyền phòng vệ phát sinh khi có đủ ba điều kiện: có sự tấn công nguy hiểm đáng kể và trái pháp luật, sự tấn công đang xảy ra, sự tấn công đang xâm phạm vào những lợi ích được pháp luật bảo vệ. Còn xét về bản chất, sự phòng vệ phải là hành vi tự vệ không có chủ ý từ trước, chống trả ở mức cần thiết lại hành vi xâm phạm đến lợi ích chung hoặc lợi ích cá nhân.

Trở lại trường hợp trên, Huy và Khánh đã có mâu thuẫn từ trước. Cả hai đều chuẩn bị sẵn hung khí. Việc Khánh đánh Huy hay Huy đánh Khánh chỉ là một cuộc ẩu đả, đánh nhau. Thực tiễn xét xử, các cơ quan tố tụng thường không xem xét đến yếu tố phòng vệ chính đáng hay không chính đáng trong những vụ ẩu đả, đánh nhau như thế này. Nếu xảy ra đánh nhau, bên nào gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho bên kia thì sẽ bị xử lý với những quy định tương ứng. Quyền phòng vệ không phát sinh trong các trường hợp này. Theo tôi, việc truy cứu Huy về tội cố ý gây thương tích là có căn cứ.

ThS MAI KHẮC PHÚC, giảng viên khoa Luật Hình sự,
ĐH Luật TP.HCM

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm