Đã nghèo còn gặp cảnh khốn cùng

Bị cáo là người bán cơm thuê cho một quán cơm bình dân, người bị hại là một nữ lao công cả đời chỉ biết làm bạn với cây chổi và xe rác. Hai số phận hoàn toàn xa lạ nhưng cùng chung một hoàn cảnh nghèo khó, một kết cục nghiệt ngã sau một vụ tai nạn giao thông

1. Gia đình Tăng Phát, bị cáo trong vụ án này, là người gốc Hoa, sinh sống ở khu Chợ Lớn quận 5 (TP.HCM) lâu năm nhưng vẫn rất nghèo khó. Hằng ngày Phát làm thuê cho một quán cơm bình dân với tiền công 1 triệu đồng/tháng. Mới chỉ gần 40 tuổi nhưng bề ngoài bị cáo già yếu, hom hem hơn so với người khác rất nhiều vì cuộc sống vất vả mưu sinh, trong người lại mang nhiều bệnh tật. Cách đây mấy năm, Phát đã từng phải đi điều trị tại một trung tâm thần kinh. Chính vì vậy mà nhận thức cũng như phản xạ tự nhiên của bị cáo có phần rất kém.

Khuya một ngày tháng 3-2010, sau khi uống ba chai bia nhân buổi liên hoan của một người bạn làm cùng quán cơm, bị cáo chạy xe máy về nhà. Khi đến giao lộ đường An Dương Vương, bị cáo điều khiển xe lấn trái sang làn đường xe bốn bánh để rẽ vào đường Nguyễn Duy Dương thì đụng phải chị NTP đang quét rác dưới lòng đường. Dù chị P. có trang bị bảo hộ lao động chuyên dụng nhưng do bị va chạm quá mạnh, chị đã bị thương nặng. Sau khi được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời, chị được cứu sống nhưng di chứng để lại thì rất nặng nề.

Đã nghèo còn gặp cảnh khốn cùng ảnh 1

Sau đó, Phát bị khởi tố và được tại ngoại điều tra. Cuối năm 2010, xử sơ thẩm, TAND quận 5 (TP.HCM) đã tuyên phạt bị cáo ba năm sáu tháng tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Phát kháng cáo xin giảm án để sớm về nhà lao động nuôi người mẹ năm nay đã 72 tuổi đang bị tâm thần nhẹ.

Tại phiên phúc thẩm mới đây của TAND TP, đứng trước vành móng ngựa, Phát cứ lắp bắp với những câu trả lời gấp khúc, đứt đoạn vì không nói sõi được tiếng Việt. Biết vậy, mỗi lần Phát nói, vị chủ tọa đã “giúp sức” bằng cách nhắc nếu đúng thì bị cáo sẽ gật đầu xác nhận ý của mình. Khi tòa hỏi bị cáo thấy mình bị xử về tội danh như trên có thấy oan không, Phát lắc đầu nguầy nguậy rồi chỉ tay vào ngực ra hiệu nói mình có tội, chỉ xin được giảm nhẹ án tù.

Trước phiên phúc thẩm này, chính quyền địa phương nơi Phát cư trú đã làm xác nhận hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gửi cho tòa để xin giảm án cho bị cáo. Đặc biệt, cảm thông với hoàn cảnh của Phát, phía gia đình nạn nhân cũng đã làm đơn bãi nại, mong tòa giảm án cho bị cáo. Vì thế, cuối cùng tòa phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo, giảm cho Phát xuống còn ba năm tù.

2. Sau vụ tai nạn, chị P. may mắn còn sống sót nhưng đó là một đời sống thực vật hoàn toàn. Cú tông xe rất mạnh của Phát làm chị bị tổn hại 59% sức khỏe vận động nhưng di chứng để lại đối với hệ thần kinh thì rất trầm trọng. Theo kết luận giám định tổng hợp cuối cùng, chị P. bị thương tật 98% vĩnh viễn, nghĩa là chỉ còn 2% sự sống nhỏ nhoi. Bây giờ chị phải nằm một chỗ, ngờ nghệch như một đứa trẻ. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Dù Phát và gia đình đã bồi thường đầy đủ tiền thuốc men những ngày nằm bệnh viện và thường xuyên sang thăm hỏi nhưng chừng ấy chưa đủ để xoa dịu nỗi đau và sự mất mát quá lớn của gia đình chị P. Chị là một nữ lao công chịu khó, đã gắn bó với nghề nhiều năm với đồng lương ít ỏi từ Công ty Công trình Giao thông Công chánh quận 5. Gia đình chị cũng nghèo khó, năm con người sống chen chúc trong một căn nhà nhỏ. Chồng chị chạy xe ôm, ba đứa con đều không được học hành đến chốn, phải đi làm thuê kiếm sống. Chị nằm đó, vật vờ như cây cỏ với nỗi đau thể xác dày vò sẽ càng tăng thêm gánh nặng cho những người thân.

Về phần mình, sau phiên phúc thẩm, Phát lầm lũi rời tòa về nhà thu xếp để đợi đến ngày đi thi hành án phạt tù. Cái gia đình nghèo khó của Phát với một người mẹ 72 tuổi đang bị tâm thần nhẹ rồi đây cũng sẽ lung lay khi bị cáo không còn ở nhà để làm lụng và gánh vác mọi chuyện...

Một phút bất cẩn của bị cáo, một vụ tai nạn không ai mong muốn đã khiến cho hai gia đình nghèo khó đều lâm vào cảnh khốn cùng!

SONG NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm