Đánh người sau đám cưới

Vụ án dưới đây xảy ra tại huyện Đồng Xuân (Phú Yên) với những vướng mắc quen thuộc mà đến nay vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi trong hoạt động xét xử. Đó là khi nào hành vi của bị cáo thuộc trường hợp phạm tội gây cố tật nhẹ cho nạn nhân, khi nào thuộc trường hợp phạm tội có tính chất côn đồ…

Chặn đánh người bất tỉnh

Theo hồ sơ, chiều 22-3-2011, sau khi dự đám cưới, Nguyễn Dương Mẫn lấy xe máy chở Trương Văn Nhân về nhà. Đi được một đoạn, xe của Mẫn va quẹt với xe máy của Nguyễn Tấn Tài, dẫn đến việc hai bên cự cãi. Sau đó Mẫn tiếp tục chở Nhân về. Vì bực tức, Nhân đã gọi điện thoại cho Nguyễn Bình Minh (anh ruột Mẫn) đến chặn đánh Tài.

Minh đến thì thấy Tài đi ngang qua nên gọi Tài đứng lại. Trong lúc Minh và Tài đang nói qua nói lại thì Nhân xông đến đấm đá Tài nhiều cái. Thấy vậy, Minh cũng đấm đá Tài làm nạn nhân ngã xuống đường. Lúc này có một phụ nữ chạy đến can ngăn, ôm Nhân lại. Minh và Mẫn tiếp tục đánh Tài. Nhân cũng giãy giụa, thoát khỏi người phụ nữ can ngăn rồi nhào đến đá vào bụng Tài một cái. Thấy Tài nằm bất tỉnh, nhiều người khác chạy đến can ngăn nên Nhân cùng Minh, Mẫn bỏ đi.

Đánh người sau đám cưới ảnh 1

VKS truy tố khoản 2, tòa xử khoản 1

Tài được đưa đi cấp cứu, tỉ lệ thương tật là 27%. Sau đó, VKSND huyện Đồng Xuân đã truy tố Nhân, Minh, Mẫn về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 BLHS.

Tại phiên xử mới đây, TAND huyện Đồng Xuân nhận định việc VKS áp dụng các điểm b, i khoản 1 Điều 104 BLHS (gây cố tật nhẹ, phạm tội có tính chất côn đồ) để làm tình tiết định khung và truy tố các bị cáo theo khoản 2 Điều 104 BLHS là không đúng.

Tòa phân tích: Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02 ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì gây cố tật nhẹ cho nạn nhân là hậu quả của hành vi cố ý gây thương tích để lại trạng thái bất thường, không thể chữa được cho một bộ phận cơ thể của nạn nhân với tỉ lệ thương tật dưới 11%. Ở đây nạn nhân bị thương tật ở phần răng, hàm, mặt là 25% nên không được xem là cố tật nhẹ. Mặt khác, tại phiên tòa, Minh khai giữa bị cáo và nạn nhân khi dự đám cưới đã kình cãi nhau; còn Nhân và Mẫn khi va chạm xe với nạn nhân cũng đã kình cãi nhau, trong khi cả hai bên đều đã uống bia rượu nên đã có thái độ thách thức nhau gay gắt. Do đó, hành vi phạm tội của các bị cáo không có tính chất côn đồ.

Cạnh đó, tòa xét thấy các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ (phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã bồi thường…) nên chỉ phạt Nhân một năm ba tháng tù, Minh một năm tù, Mẫn sáu tháng tù (đều cho hưởng án treo) theo khoản 1 Điều 104 BLHS.

Còn tranh cãi

Xung quanh phán quyết của tòa đã nảy sinh những luồng quan điểm khác nhau về việc xét xử các bị cáo theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 104 BLHS. Bên cạnh luồng quan điểm đồng ý hoàn toàn với phân tích và phán quyết của tòa thì cũng có những ý kiến ngược lại.

Những người phản đối lập luận rằng tuy các bị cáo và nạn nhân có mâu thuẫn từ trước nhưng chỉ là mâu thuẫn nhỏ nhặt. Sau đó các bị cáo rủ nhau cùng đánh nạn nhân, thậm chí dù đã được người khác can ngăn song vẫn tiếp tục đánh nạn nhân đến bất tỉnh, thể hiện sự coi thường pháp luật, xem thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Như vậy, hành vi phạm tội của các bị cáo có tính chất côn đồ. Việc tòa chỉ áp dụng khoản 1 Điều 104 BLHS để xét xử, từ đó cho các bị cáo hưởng án treo là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS.

Mặt khác, luồng quan điểm này cũng đặt vấn đề cần xem lại hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao trong Nghị quyết 02 ngày 17-4-2003. Theo họ, hướng dẫn chỉ xem là bị cáo gây cố tật nhẹ cho nạn nhân khi tỉ lệ thương tật của nạn nhân dưới 11% là không hợp lý. Hệ quả là các tòa án chỉ được áp dụng tình tiết tăng nặng này trong giới hạn khoản 1, không thể áp dụng khoản 2, khoản 3 Điều 104 BLHS là bất công. Bởi lẽ cố tật của nạn nhân là di chứng theo họ suốt đời, tại sao chỉ khi thương tật dưới 11% thì mới được xem là “cố tật nhẹ” để tăng nặng trách nhiệm hình sự của thủ phạm?

Hướng dẫn đã hợp lý

Tình tiết tăng nặng định khung “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” trong tội cố ý gây thương tích là vấn đề từng gây ra nhiều tranh cãi. Ngoài Nghị quyết 02 ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao còn có thêm Công văn 97 ngày 5-8-2003 của Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao cũng khẳng định chỉ khi tỉ lệ thương tật dưới 11% và có đầy đủ điều kiện được hướng dẫn tại Nghị quyết 02 thì mới áp dụng tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” đối với bị cáo.

Về mặt khoa học pháp lý, hướng dẫn của TAND Tối cao đã hợp lý hay chưa? Theo tôi, hướng dẫn như vậy là hợp lý vì khởi đầu tình tiết này được quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS với tư cách là tình tiết định tội. Nghĩa là bình thường thì chỉ khi nào tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên mới đủ nguy hiểm để xử lý về tội này. Nếu tỉ lệ thương tật dưới 11%, thì tình tiết gây cố tật nhẹ cho nạn nhân đã làm tăng thêm tính nguy hiểm đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi tỉ lệ thương tật của nạn nhân đã trên 11% thì đương nhiên đã đến mức nguy hiểm để truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi của bị cáo đồng thời gây ra thêm các cố tật cho nạn nhân thì các cố tật đó cũng đã được xem xét để đánh giá tỉ lệ thương tật chung. Do vậy không áp dụng thêm một lần nữa tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân”. (Xem thêm TT12/TTLB ngày 26-7-2005 của liên bộ Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội quy định về tiêu chuẩn thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật mới).

ThS NGUYỄN THỊ ÁNH HỒNG, giảng viên môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

SÔNG BA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm