Đòi bảo hiểm công trình thủy điện

Theo hồ sơ, cơn bão số 2 (từ tháng 1 đến 6-2007) đã quét qua thủy điện Krông K’Mar tại Dăk Lăk gây thiệt hại nặng cho công trình. Do trước đó đã mua bảo hiểm rủi ro nên Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Sông Đà nhiều lần đến Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, đề nghị trả gần 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, bảo hiểm chỉ đồng ý trả 82 triệu đồng vì những thiệt hại đòi bồi thường nằm ngoài thỏa thuận chi trả. Đầu năm 2009, công ty đã khởi kiện ra TAND TP.HCM để đòi cho được số tiền trên.

Đòi không chính đáng

Xử sơ thẩm tháng 8-2009, TAND TP nhận định nước lũ quá lớn đã tràn qua đê quây, phá hủy toàn bộ đê này. Đây là điểm nằm trong điều khoản loại trừ mà hai bên ký kết trong phụ lục hợp đồng. Theo đó, bảo hiểm sẽ không bồi thường các tổn thất, thiệt hại trực tiếp, gián tiếp phát sinh từ sự cố nước tràn khỏi đê quây, đê, đập chắn nước.

Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, phía bị đơn đã mời cơ quan giám định để xác định tổn thất thực tế và đề xuất mức bồi thường hơn 82 triệu đồng. Như vậy, phía công ty bảo hiểm đã làm đúng các quy định pháp luật. Việc đòi bồi thường gần 2 tỉ đồng của Sông Đà là không có cơ sở chấp nhận, tòa bác yêu cầu. Tuy nhiên, tòa ghi nhận sự tự nguyện bồi thường 82 triệu đồng của công ty bảo hiểm cho Sông Đà.

Đòi bảo hiểm công trình thủy điện ảnh 1

Tòa phúc thẩm: Chưa thể kết luận

Ngay sau đó, Sông Đà đã kháng cáo vì cho rằng tòa chưa xem xét thấu đáo các điều khoản mà hai bên đã ký kết. Trong hợp đồng có điều khoản ràng buộc trách nhiệm bồi thường của bảo hiểm với sự cố trên. Tòa chỉ xét ở phụ lục, bỏ qua hợp đồng là thiếu sót nghiêm trọng.

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM mới đây xử phúc thẩm đã tập trung xoay rõ về phụ lục hợp đồng giữa hai bên. Điều tranh cãi lớn nhất tại phiên xử chính là sự mâu thuẫn giữa hai điều khoản nằm ở hợp đồng và bản phụ lục. Nếu căn cứ theo bản hợp đồng thì Công ty Sông Đà hoàn toàn được hưởng mức bồi thường gần 2 tỉ đồng từ phía bảo hiểm như yêu cầu. Nhưng nếu căn cứ vào phụ lục hợp đồng thì như cấp sơ thẩm đã tuyên, bảo hiểm không phải bồi thường đồng nào.

Tranh luận tại tòa, phía bảo hiểm giải thích, trước khi ký hợp đồng bảo hiểm, phía bị đơn không đi khảo sát công trình thủy điện. Sau đó, tham khảo một số nơi, công ty đã lường trước những hậu quả có thể xảy ra nên đã lập phụ lục quy định thêm các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, trong đó có trường hợp nêu trên. Do vậy, Sông Đà không thể buộc bảo hiểm chi 2 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bên nguyên đơn đã bác bỏ những lập luận này và buộc bảo hiểm phải căn theo hợp đồng mà làm.

Trước sự tranh luận giữa hai bên, sau khi vào nghị án, HĐXX đã tạm hoãn vì chưa thể thống nhất cách giải quyết án.

Trước hết phải dựa vào hợp đồng

Cốt lõi của vấn đề nằm ở các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm. Nói cách khác, cần làm rõ trong hợp đồng quy định trường hợp nào thì người được bảo hiểm có quyền thụ hưởng. Thường thì các bản hợp đồng bảo hiểm chỉ đưa ra những điều khoản rất chung chung. Sau đó, bản phụ lục lại xuất hiện tiếp theo với những quy định rất cụ thể, chặt chẽ mà nếu sơ sót không tìm hiểu kỹ, có cách hiểu và nhận thức về từ ngữ trong bản phụ lục khác sẽ dễ dẫn đến quyền lợi bị thiệt thòi. Cho nên khi hai bên chưa thống nhất được cách hiểu trong phụ lục thì chỉ xem phụ lục là căn cứ phụ khi xét xử.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm