Giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự: Còn nhiều lỗ hổng cần bổ sung

Giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự: Còn nhiều lỗ hổng cần bổ sung ảnh 1

Trong buổi tổng kết ngành TAND TP.HCM mới đây, Phòng Giám đốc kiểm tra (PGĐKT) cho biết thực tiễn việc giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự hiện còn nhiều quy định chưa phù hợp, đặc biệt là còn nhiều thiếu sót cần phải bổ sung. Những hạn chế này đang khiến cho việc trả lời khiếu nại với đương sự của ngành TAND TP.HCM gặp không ít khó khăn bởi số lượng vụ án dân sự của địa phương luôn nhiều hơn so với các loại án khác và các địa phương khác.

Chưa rõ quyết định cuối cùng

Cũng theo PGĐKT TAND TP.HCM, nhiều TAND quận, huyện làm không thống nhất khi trả đơn khởi kiện hoặc chuyển vụ án. Nguyên do vì Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) hiện hành không nói rõ khi chánh án tòa quận, huyện ban hành hai loại văn bản trên thì cấp dưới của họ là phó chánh án có quyền ký văn bản trả lời khi bị đương sự khiếu nại hay không. Có nhiều tòa quan niệm chánh án ban hành văn bản thì chánh án phải trả lời khi có khiếu nại, còn nhiều tòa thì cho rằng phó chánh án trả lời cũng được. Do chưa quy định cụ thể nên các tòa thường giải quyết theo cách hiểu của mình. PGĐKT đề nghị vấn đề này cũng phải được quy định cụ thể trong BLTTDS.

Theo thống kê của PGĐKT, các khiếu nại của đương sự chủ yếu xoay quanh yêu cầu chuyển vụ án, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thông báo trả lại đơn kiện và khiếu nại bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, quy định pháp luật để giải quyết khiếu nại ở loại nào nêu trên cũng chưa đầy đủ.

Chẳng hạn quy định về thẩm quyền của tòa án và việc khởi kiện, thụ lý vụ án… đều quy định sau ba ngày nhận được khiếu nại của đương sự thì chánh án TAND nơi ký biên bản bị khiếu nại phải xem xét trả lời. Tuy nhiên, luật lại không quy định quyết định giải quyết khiếu nại trên có phải là quyết định cuối cùng hay không...

Theo PGĐKT, với các loại khiếu nại chỉ xảy ra ở tòa cấp sơ thẩm các quận, huyện như việc khởi kiện, thụ lý vụ án, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời... thì luật nên bổ sung quy định cho cấp phúc thẩm ra quyết định giải quyết. Theo đó, khi đương sự không đồng ý với trả lời của chánh án tòa án quận, huyện thì chánh án TAND cấp trên có quyền ra quyết định giải quyết gửi cho đương sự và coi văn bản này là giải quyết cuối cùng. Như vậy sẽ giúp quá trình giải quyết án được liên tục, đúng luật định, tránh kéo dài vẫn phù hợp với nguyên tắc tổ chức tòa án.

Một chuyên gia pháp lý bổ sung thêm, trường hợp thẩm phán TAND Tối cao ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời… thì chánh án TAND Tối cao có quyền giải quyết khiếu nại cuối cùng.

Giải quyết tiếp hay dừng lại?

PGĐKT còn nêu quy định về việc khiếu nại quyết định thay đổi hoặc không thay đổi người tiến hành tố tụng trước khi mở phiên tòa còn lỗ hổng. Theo quy định, nếu không đồng ý với kết quả giải quyết về yêu cầu thay đổi một trong những thành viên của HĐXX thì trong vòng 15 ngày, đương sự khiếu nại lên tòa cấp trên trực tiếp. Tòa cấp trên phải trả lời trong vòng 15 ngày và là cấp trả lời cuối cùng. Nếu khiếu nại quyết định hành vi của chánh án tòa cấp dưới thì tòa cấp trên cũng phải giải quyết trong vòng 15 ngày và là cấp cuối cùng. Trường hợp nếu TAND Tối cao đang xử phúc thẩm vụ án nhưng có yêu cầu đòi thay đổi thẩm phán thì chánh án TAND Tối cao là người trả lời. Thế nhưng đương sự không đồng ý với trả lời nêu trên thì họ phải khiếu nại tiếp theo đến cơ quan nào và ai là ngưới có thẩm quyền giải quyết theo luật định?

Ngoài ra, luật cũng chưa quy định trong thời hạn 15 ngày chờ cấp trên giải quyết với quyết định không thay đổi thẩm phán của cấp dưới bị khiếu nại thì thẩm phán đó có được quyền giải quyết tiếp vụ án hay không. Luật cũng chưa nói rõ nếu không được quyền giải quyết tiếp thì thẩm phán có được tạm đình chỉ vụ án hoặc tòa cấp trên có quyền tạm hoãn vụ án hay không. Theo PGĐKT, thực tế đã xảy ra trường hợp thẩm phán đình chỉ vụ án trong khi chánh án chưa giải quyết xong yêu cầu đòi thay đổi của đương sự hoặc khi tòa án cấp trên đang xem xét việc trả lời của chánh án tòa cấp dưới thì thẩm phán vẫn giải quyết vụ án bình thường.

Tiêu điểm

986

vụ án dân sự tại TAND TP.HCM bị khiếu nại từ năm 2008 đến 2010.

Mở rộng thời hạn giải quyết khiếu nại

Theo tôi, việc BLTTDS quy định thời hạn tòa án phải trả lời của tòa án với các khiếu nại của đương sự trong vòng ba ngày là chưa phù hợp mà phải kéo dài thêm. Bởi thực tế có không ít những khiếu nại khá phức tạp về cả tính chất và những tình tiết khách quan liên quan mà yêu cầu ba ngày sau tòa phải phúc đáp là quá ngắn. Khi ấy tòa không có đủ thời gian để tập hợp đánh giá đầy đủ các thông tin dẫn đến việc trả lời khiếu nại chưa phù hợp khiến đương sự bức xúc và khiếu nại tiếp, kéo dài vụ án không cần thiết.

Một thẩm phán TAND quận tại TP.HCM

Nên tạm dừng giải quyết

Tôi cho rằng trong thời hạn 15 ngày chờ cấp trên giải quyết với quyết định không thay đổi thẩm phán của cấp dưới bị khiếu nại thì thẩm phán đó không nên tiếp tục giải quyết vụ án. Làm như vậy sẽ đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được chặt chẽ, tránh cho thẩm phán bị những “hiểu lầm” không đáng có. Nếu sau đó, quyết định giải quyết bác khiếu nại thì thẩm phán lại tiếp tục giải quyết.

Luật sư LÊ NGỌC CẢNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy