Giành nhau sổ tiết kiệm bạc tỉ

Ngày 8-5, TAND TP.HCM quyết định nghị án dài ngày vì vụ tranh chấp quyển sổ tiết kiệm trị giá 1 tỉ đồng diễn ra khá phức tạp giữa nguyên đơn là bà N. và bị đơn là bà H.

Nhờ bạn đứng tên giùm

Theo đơn khởi kiện của bà N., bà có 1 tỉ đồng nhàn rỗi. Do thường xuyên đi công tác nên năm 2007 bà gửi tiết kiệm và nhờ bà H. đứng tên giùm. Sau đó, đến ngày đáo hạn nhưng bà H. cố tình không gặp bà và cũng không đến ngân hàng nhận lãi nên bà quyết định khởi kiện yêu cầu TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) xác định sổ tiết kiệm trên là của bà để bà có căn cứ làm các thủ tục liên quan với ngân hàng.

Bị kiện, bà H. phản đối bảo sổ tiết kiệm là của mình, không có chuyện đứng tên giùm cho bà N. Tiếp đó, bà đề nghị phía nguyên đơn đưa ra chứng cứ hợp pháp để chứng minh cho yêu cầu trên, nếu không chứng minh được, bà yêu cầu tòa bác đơn khởi kiện.

Tại phiên xử sơ thẩm ngày 26-9-2011, luật sư của bà N. đưa ra thêm giải pháp là chia cho bà H. 500 triệu đồng nếu bà chịu trả lại sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, bị đơn từ chối không nhận do bà N. không phải là chủ nhân của quyển sổ trên.

Cuối cùng, sau khi nghe các bên giải trình, HĐXX cho rằng về mặt pháp lý sổ tiết kiệm đứng tên bà H. nhưng lời khai của nhân chứng lại khẳng định tiền là của bà N. Hai bên không thỏa thuận việc đứng tên giùm bằng văn bản là thiếu sót của nguyên đơn và là kẽ hở trong giao dịch nhưng qua đó cũng thể hiện lòng tin của nguyên đơn đối với bị đơn. Do vậy, xét thấy có cơ sở cho rằng số tiền gửi tiết kiệm là của bà N. nên tòa tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện...

Giành nhau sổ tiết kiệm bạc tỉ ảnh 1

Tòa nhận định mơ hồ?

Sau khi án tuyên, bà H. kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm xác định sổ tiết kiệm thuộc quyền sở hữu của bà.

Tại phiên tòa vừa qua, các bên vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm. Bà N. vẫn bảo quá trình nhờ bà H. đứng tên sổ tiết kiệm hai bên cũng không làm văn bản, tất cả chỉ dựa trên “lòng tin của nhau”.

Bà H. liền phủ nhận, trước đây giữa hai người vẫn thường xuyên vay mượn tiền qua lại. Và mỗi lần như thế, dù số tiền mấy chục triệu đồng, bà N. đều yêu cầu có văn bản ký nhận. Vì thế, lần này với số tiền 1 tỉ đồng, không có lý do nào để bà N. cho mình đứng tên mà không lập văn bản. Đặc biệt, thực tế giữa hai bên không thân thiết đến nỗi đặt lòng tin vô thức như bà N. trình bày.

Phía luật sư của bị đơn cũng nêu, tòa án cấp sơ thẩm chỉ dựa vào lời khai của các nhân chứng phía bà N. để tuyên sổ tiết kiệm là của nguyên đơn là không khách quan. Bởi lẽ, các nhân chứng này đều là chị em họ của bà N. và là nhân viên dưới quyền bà.

Ngoài ra theo luật sư, nhận định trong bản án sơ thẩm của TAND quận Bình Thạnh quá mơ hồ. Xuyên suốt bản án chỉ là “HĐXX nhận thấy không phải ngẫu nhiên…” mà không hề đưa ra một nhận định hợp lý. Cụ thể như với tình tiết “một lần chuyển sổ tiết kiệm, quá trình mở, tất toán đều do em họ bà N. viết” thì bà H. giải thích do đi cùng và biết người rành trong vấn đề giao dịch nên nhờ viết. Không đồng tình, tòa nêu: “Không thể nào ngẫu nhiên mà tiền riêng của bà H. mà liên tục do người chị họ của bà N. viết”...

Để chứng minh sổ tiết kiệm trên là của thân chủ mình, luật sư bên nguyên đơn cho biết bà N. không chỉ nhờ một mình bà H. đứng tên sổ tiết kiệm mà còn ba người nữa trong công ty đều được bà đặt lòng tin cho đứng tên tương tự như bà H.

Sau khi vào nghị án, HĐXX đã trở ra thông báo cho biết tòa sẽ nghị án dài ngày do vụ việc phức tạp. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc vụ tranh chấp khá hi hữu này.

Không thể chỉ dựa vào niềm tin nội tâm để xử án

Thứ nhất, về căn bản, cấp sơ thẩm chỉ dựa vào lời khai của nhân chứng để tuyên sổ tiết kiệm là của nguyên đơn. Tuy nhiên, những nhân chứng này vừa có quan hệ gia đình thân thuộc vừa là cấp dưới nên chứng cứ này được coi là không khách quan.

Thứ hai, một vụ án khi được đưa ra xét xử, đầu tiên tòa phải ưu tiên các chứng cứ, sau đó mới đến niềm tin nội tâm. Theo Điều 82 BLTTDS, chứng cứ được tòa thu thập từ nhiều nguồn như tài liệu, vật chứng, lời khai của các đương sự… Trong vụ án này, nếu không có văn bản thỏa thuận chứng minh thì nguyên đơn còn có thể chứng minh bằng các nguồn khác. Nếu không chứng minh được buộc tòa phải bác yêu cầu của nguyên đơn.

Nếu nguyên đơn không đưa ra được chứng cứ pháp lý, tòa lại dựa vào niềm tin nội tâm xét xử thì lại bất lợi cho bị đơn. Nếu không đặt niềm tin đúng chỗ thì chính những người cầm cân nảy mực lại làm khổ đương sự và tuyên không chính xác. Vì vậy, cần thiết phải vừa có niềm tin nội tâm đi kèm chứng cứ thì vụ án mới có thể khách quan.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm