Hủy án vì tòa niêm yết thiếu ngày

Gần đây, Ủy ban Thẩm phán TAND TP.HCM đã họp giám đốc thẩm, hủy một bản án sơ thẩm của TAND quận Phú Nhuận (đã có hiệu lực hơn hai năm nay) vì trước đó, trong thời gian giải quyết án, tòa niêm yết văn bản tố tụng chưa đủ 15 ngày theo luật định.

Kiện em chồng đòi nợ

Theo hồ sơ, tháng 4-2011, bà NTT (ngụ quận 3) cho ông HTH (em chồng) vay 190 triệu đồng. Ông H. hẹn trong thời hạn một tháng sẽ trả lại nhưng đến hẹn không trả tiền nên tháng 6-2011, bà T. gửi đơn kiện ông H. đòi nợ ra TAND quận Phú Nhuận (nơi ông H. thường trú).

Sau khi thụ lý, TAND quận Phú Nhuận đã triệu tập vợ chồng ông H. tham gia giải quyết vụ án nhưng họ vắng mặt. Tòa đã niêm yết công khai các văn bản như thông báo thụ lý vụ án, giấy triệu tập yêu cầu vợ chồng ông H. đến tòa cung cấp thông tin, các thông báo hòa giải, xét xử… tại địa chỉ nhà của họ nhưng họ vẫn không đến.

Tháng 9-2011, TAND quận Phú Nhuận đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vắng mặt vợ chồng ông H. Tòa nhận định ông H. đứng tên ký giấy vay tiền nhưng không thể hiện mục đích vay tiền nhằm đáp ứng sinh hoạt gia đình. Mặt khác bà T. cũng không yêu cầu vợ ông H. trả nợ nên ông H. phải tự chịu trách nhiệm về khoản vay này. Từ đó tòa tuyên buộc ông H. phải trả cho bà T. hơn 200 triệu đồng (trong đó 190 triệu đồng tiền gốc và hơn 10 triệu đồng tiền lãi).

Ông H. không kháng cáo và bản án này đã có hiệu lực thi hành. Tháng 11-2011, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự quận Phú Nhuận đã ra quyết định yêu cầu ông H. tự nguyện THA. Ông H. không tự nguyện THA nên tháng 8-2012, Chi cục THA quận đã ra quyết định cưỡng chế kê biên căn nhà của vợ chồng ông H.

Mới niêm yết có 14 ngày

Bà T. tưởng vậy là xong, chỉ còn chờ định giá tài sản để bán đấu giá THA thì tháng 10-2013, chánh án TAND TP.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm bản án sơ thẩm của TAND quận Phú Nhuận theo hướng hủy án để giải quyết lại vì vi phạm tố tụng.

Cụ thể, theo chánh án TAND TP, biên bản niêm yết công khai thông báo phiên hòa giải của TAND quận Phú Nhuận lập ngày 15-8-2011 nhưng thời gian mở phiên hòa giải là ngày 30-8-2011 (sau 14 ngày). Tương tự, trong biên bản niêm yết quyết định hoãn phiên tòa lập ngày 15-9-2011 thông báo thời gian mở phiên tòa là ngày 30-9-2011 (sau 14 ngày). Trong khi đó, khoản 3 Điều 154 BLTTDS quy định rất rõ rằng thời gian niêm yết công khai văn bản tố tụng là 15 ngày kể từ ngày niêm yết. Như vậy, TAND quận Phú Nhuận chỉ mới niêm yết hai văn bản tố tụng nói trên có 14 ngày là không đủ thời gian luật định, vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Sau đó, Ủy ban Thẩm phán TAND TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho TAND quận Phú Nhuận giải quyết lại.

“Việc bị hủy án sơ thẩm với lý do này là một tai nạn nghề nghiệp rất đáng tiếc” - bà Trần Thị Bích Thủy (Chánh án TAND quận Phú Nhuận) nhìn nhận. Bà Thủy lý giải có sai sót này là do thư ký tòa tính thiếu ngày niêm yết, thẩm phán thì không kiểm tra lại kỹ trước khi xét xử.

KIM PHỤNG

Nhập vụ án là đúng

Sau khi thụ lý lại, TAND quận Phú Nhuận đã nhập luôn vụ đòi nợ của bà T. (và một số người khác) để giải quyết chung trong vụ ly hôn của vợ chồng ông H. (thời điểm này vợ chồng ông H. đang xin ly hôn). Bà T. không đồng ý, yêu cầu tòa phải xử riêng, xử trước vụ án của bà nhưng tòa không chấp nhận. Bà T. ấm ức: “Tòa làm sai thì phải khắc phục xử cho tôi trước chứ. Nếu tòa làm đúng thì giờ tôi đã được THA lấy lại tiền của mình rồi. Bây giờ gộp chung vậy biết chừng nào mới xử xong. Chưa kể giờ vợ chồng ông H. có nhiều chủ nợ mà tài sản của họ có bao nhiêu đó, nếu không đủ trả thì phải chia tỉ lệ. Tòa làm vậy thì thiệt thòi cho tôi quá”.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia cho biết việc tòa nhập các vụ đòi nợ vào vụ ly hôn của vợ chồng ông H. để giải quyết chung là đúng quy định tại Điều 38 BLTTDS. Bởi lẽ trong một vụ ly hôn, tòa phải giải quyết các vấn đề là hôn nhân, con cái, tài sản nếu các bên đương sự có yêu cầu. Việc nhập các vụ kiện đòi nợ vào cùng vụ án ly hôn nhằm đảm bảo việc giải quyết nghĩa vụ của vợ chồng ông H. được triệt để, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của những người liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm