Kết tội phải thuyết phục!

Liệu có một sự thật nào khác ngoài “kịch bản” phạm tội như cơ quan tố tụng mô tả? Có thể có một thanh niên với hình hài nhân dạng giống Mai đã chở nạn nhân đi như mô tả trong lời khai đầu tiên của nhân chứng trực tiếp duy nhất của vụ án. Nhưng thanh niên đó là ai?

Liệu có thể tin cháu bé nhân chứng này, mới chín tuổi, người dân tộc S’Tiêng, lại biết rõ họ tên đầy đủ của Mai, một người ít gặp, chưa từng nói chuyện với cháu lần nào? Nhưng hồ sơ lại thể hiện cháu Hằng khai rõ như vậy. Và thay vì nên mở rộng phạm vi, đối tượng để điều tra, ngay từ đầu cơ quan tố tụng đã xoáy vào Mai để rồi từ đó truy xét theo hướng này.

Thứ nữa, lẽ ra khi khám xét nơi Mai ở, không phát hiện được bình xịt thuốc màu xanh, bình đựng nước đá màu đỏ như mô tả của cháu Hằng, người ta nên nghĩ đến một khả năng khác: Có thể có một kẻ thủ ác khác có nhân dạng giống Mai… Nhưng không, hướng điều tra vẫn cứ chĩa vào Mai.

Có một điều là trong tất cả bản cung nhận tội của Mai đều thống nhất ở cái khung sườn của “kịch bản” phạm tội. Những điều này Mai trả lời tòa khá rành rẽ. Lý do: Bị cáo nói mình khai theo một bản khai do cán bộ điều tra viết sẵn,“nếu không làm vậy sẽ bị đánh”. Ngược lại, những tình tiết râu ria khác như bình xịt thuốc, thùng đựng nước đá, quần áo… khi Mai khai thế này, lúc khai thế khác. Khi bị tòa và viện hỏi sâu hơn, Mai đều ấp a ấp úng bảo là lâu quá không nhớ…

Một điều dễ hiểu là nếu Mai không thực hiện hành vi phạm tội thì không thể nào bắt bị cáo phải nhớ những điều mình không từng làm. Trong mọi trường hợp, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng. Mai có quyền (nhưng không có nghĩa vụ phải) chứng minh mình ngoại phạm. Điều này thể hiện qua lời khai buổi sáng đi làm, trưa về nấu cơm, ăn cơm, chiều đi làm của Mai đã được ba nhân chứng (bị cách ly, không có điều kiện thông cung) cùng xác nhận.

Đó là chưa nói xét ở khía cạnh tâm lý học tội phạm, người ta ghi nhận có những kẻ sau khi phạm tội ác tày trời vẫn ung dung sinh hoạt bình thường. Nhưng đó phải là người có “máu lạnh”, thần kinh thép và mất tính người. Ở đây, trước tòa, Mai tỏ ra là một thanh niên nhút nhát, có phần yếu đuối…

Còn nhớ một vụ oan án xảy ra ở xã Trung Bình, Long Phú (Sóc Trăng) cũng tương tự như vụ án này. Nạn nhân cũng bị hiếp, giết rồi quăng xác xuống kênh. Cũng từ lời khai của một cháu bé, cơ quan tố tụng đã bị hút vào, tập trung điều tra ba nghi can theo lời mô tả của cháu. Lập tức, ba nghi can bị bắt rồi bị kết án tử hình, chung thân và 20 năm tù. Vụ án sau đó được đình chỉ, ba thanh niên được xác định bị oan, được xin lỗi, bồi thường hàng trăm triệu đồng.

Đúng là tội ác phải bị đưa ra ánh sáng để nghiêm trị. Đó là lời khẳng định của vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa. Điều này giải thích nỗ lực truy tìm, chứng minh tội phạm của các cơ quan tố tụng. Nhưng điều quan trọng là việc kết tội phải chắc chắn, phải thuyết phục để tránh oan sai.

THÁI AN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm