Khéo hòa giải để giữ tình thân tộc

Câu chuyện xảy ra cách đây khoảng năm năm. Một buổi sáng, Thẩm phán Phạm Công Hùng nhận được điện thoại lạ từ một người khá nổi tiếng trong lĩnh vực chữa trị ung bướu...

Không ngại gặp đương sự

Khéo hòa giải để giữ tình thân tộc ảnh 1

Thẩm phán Phạm Công Hùng (phải) phát biểu trong một cuộc tọa đàm về hoạt động tranh tụng do Pháp Luật TP.HCM tổ chức. Ảnh: HTD

Thẩm phán Hùng mỉm cười, tâm tình: “Với nhiều người, khi thấy số lạ họ sẽ không bắt máy. Tuy nhiên, tôi không có gì phải đắn đo trong việc này vì đây là chuyện hết sức bình thường”.

Trở lại chuyện người nổi tiếng nọ. Sau khi Thẩm phán Hùng nghe máy, vị kia tự giới thiệu về bản thân và nói có việc muốn gặp. Thẩm phán hỏi chuyện gì. Giọng trả lời chùng xuống: “Chuyện gia đình”. Không ngần ngại, Thẩm phán Hùng trả lời: “Vậy thì mời ông đến”.

Thẩm phán Hùng tâm niệm chuyện tiếp đương sự trong vụ án dân sự không nên quá khắt khe. Quan niệm rằng chỉ được gặp đương sự tại phiên tòa là không ổn. Người thẩm phán nên tạo điều kiện tiếp xúc với họ bởi có những tranh chấp trong gia đình, những khổ tâm trong sâu thẳm tâm hồn… người ta khó có thể công khai hết tại phiên xử. Tốt nhất hãy lắng nghe tất cả, tạo điều kiện để người ta nói. Người thẩm phán với tâm trong sáng, thành thật sẽ không câu nệ gì hoặc sẽ không lo sợ trước những ý đồ xấu.

Thế là cuộc gặp gỡ diễn ra. Nguyên đơn - người đang trò chuyện với Thẩm phán Hùng không bức xúc về vấn đề kinh tế trong vụ tranh chấp đất đai mà đó là nỗi lo của phận làm con cháu không giữ được đất đai hương hỏa cho dòng họ.

Xem lại hồ sơ, Thẩm phán Hùng nhận ra đây là vụ tranh chấp đã kéo dài 5-6 năm cho đến ngày ông thụ lý giải quyết ở cấp phúc thẩm. Gia đình nguyên đơn có một mảnh đất thờ tự ông bà ở Tiền Giang, giao cho một người cháu trong họ trông coi. Không biết bằng cách nào, người này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng…

Phát hiện ra chuyện này, các con cháu trong dòng họ khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận. Vụ án kéo dài bởi bị đơn không hợp tác từ giai đoạn hòa giải cho đến khi mở phiên xử sơ thẩm. Sau đó, bản án sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn nhưng vụ án vẫn chưa thể khép lại bởi bị đơn liên tục khiếu nại và kháng cáo.

Thẩm phán Hùng kể, khi nghe nguyên đơn tâm sự ông biết vụ án này có thể hòa giải được, quan trọng ở thủ thuật sao để đôi bên lắng nghe và chia sẻ.

Sau đó, ông đã đi xe hơn 5 tiếng đồng hồ xuống tận mảnh đất tranh chấp nhằm tiến hành hòa giải. Trên đường đi, ông ghé qua TAND tỉnh mời đồng nghiệp đã giải quyết trong giai đoạn sơ thẩm đi cùng. Đến nơi, ông nhận thấy rõ sự tôn nghiêm của dòng họ này đối với việc thừa tự hương hỏa ông bà. Một trong những biểu hiện là dù ở xa họ đã tập trung chờ ông từ sớm.

Dung hòa lợi lích riêng, chung

Sau khi ổn định, Thẩm phán Hùng mời phía bị đơn vào trò chuyện. Ông nói chân tình: “Việc anh làm là chỉ vì lo cho kinh tế gia đình sau này nhưng nó đã làm cho gia đình xào xáo, các thế hệ sau sẽ tiếp tục mâu thuẫn, khi đó mảnh đất này liệu có còn? Chi bằng bây giờ tôi đứng ra nói phía nguyên đơn cắt hẳn một mảnh đất ngay vị trí căn nhà anh đã xây trong khuôn viên đất này cho anh. Còn anh tiếp tục công việc chăm sóc mồ mả ông bà, để lại tiếng thơm cho con cháu…”.

Vừa phân tích Thẩm phán Hùng vừa xem thái độ của người đối diện. Và ông biết không thể thúc ép người này đưa ra quyết định ngay dù phía này dường như cũng đồng tình với những phân tích trên. Ông bảo mọi người có thể ra ngoài tiếp tục suy nghĩ…

Rồi tiếp đó, Thẩm phán Hùng trò chuyện với nguyên đơn. Ông cũng đề nghị phương án cắt phần đất giao cho gia đình bị đơn - người đang chăm sóc đất đai mồ mả tổ tiên. Ông bảo có như thế phía bị đơn mới có thể yên tâm với cuộc sống thường nhật và làm tốt công việc thờ tự, hương khói ông bà. Giờ nếu cứ y án sơ thẩm, phía bị đơn sẽ bỏ đi, gia đình anh (nguyên đơn) ở xa không có điều kiện để chăm lo công việc thì mọi việc sẽ rối hơn.

Kể đến đây Thẩm phán Hùng dừng lại đôi phút. Ông nhớ về giây phút chờ đợi khi hai bên xin phép ông suy nghĩ kỹ càng về quyết định của mình…

Rồi Thẩm phán Hùng nhẹ nhàng chia sẻ: Một lúc sau hai bên đã cùng bước vào đồng ý với phương án của ông và tay bắt mặt mừng. Ông như trút được gánh nặng để vui lây cùng họ. Họ đã giữ được tình cảm trong gia đình, thân tộc, đã dung hòa được cái lợi ích chung và riêng khi không để tranh chấp kéo dài.

***

Đến nay, vào những dịp đặc biệt Thẩm phán Hùng vẫn nhận được tin nhắn chân tình hỏi thăm, chúc sức khỏe từ đương sự trong vụ án này. Thẩm phán Hùng cười tươi, bảo: “Hãy tận dụng tối đa cơ hội hòa giải để các bên vẫn giữ được tình cảm. Nhiều năm làm thẩm phán, tôi không ngại việc đi xuống tận những nơi xa xôi để hiểu thấu việc tranh chấp và tìm cơ hội giải quyết án sao cho êm đẹp mọi bề…”.

Đối thoại để giải quyết xung đột

Thẩm phán Phạm Công Hùng từng công tác ở TAND tỉnh, sau đó về công tác ở Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM. Ông được phân công xét xử nhiều vụ án quan trọng bởi kỹ năng xét xử và điều khiển phiên tòa rất tốt. Bên cạnh việc đầu tư, xử lý từng vụ án cụ thể khi được phân công, đam mê lớn của ông là nghiên cứu pháp luật, giải quyết án hành chính. Ông thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực này để làm kim chỉ nam trong xét xử của ngành và tư vấn pháp luật cho các địa phương. Tâm huyết của ông là muốn giải quyết các vụ việc qua đối thoại. Điều này có tác dụng rất lớn, vừa thể hiện được ý thức thượng tôn pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho các bên, tạo không khí hòa thuận, giảm thiểu sự tranh chấp...

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm