Kiện công chứng, tòa được quyền giải quyết?

Vừa qua, TAND TP.HCM đã hoãn xử vụ ông C. kiện một phòng công chứng đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vì nhận thấy vụ việc có thể không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

Mua nhầm đất bị ngăn chặn

Theo đơn khởi kiện, ông C. mua một mảnh đất ở quận 9 (TP.HCM) và ra công chứng hợp đồng ở một phòng công chứng tại TP.HCM. Bất ngờ sau đó khi làm thủ tục sang tên, ông mới biết đất đã bị TAND quận 9 ra quyết định ngăn chặn giao dịch vì đang có tranh chấp. Cho rằng công chứng viên tắc trách, không kiểm tra kỹ hồ sơ mà đã công chứng gây thiệt hại cho mình nên ông kiện đòi phòng công chứng bồi thường 860 triệu đồng.

Tòa thụ lý vụ việc ngày 9-2, lên lịch xét xử ngày 7-3 nhưng chưa đưa ra xét xử được bởi phải xem xét lại thẩm quyền. Theo tòa, vụ việc cũng có thể thuộc lĩnh vực hành chính, đương sự có thể phải theo thủ tục khiếu nại… Hiện tòa đang chờ hướng dẫn của TAND Tối cao về thẩm quyền giải quyết.

Kiện công chứng, tòa được quyền giải quyết? ảnh 1

Có quyền kiện hay không?

Luật sư Trịnh Công Minh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng trước hết phải xác định ông C. có quyền khởi kiện hay không. Nếu công chứng viên đã làm đúng quy định của pháp luật thì không có lỗi. Bởi thực tế có trường hợp một tòa ra quyết định ngăn chặn giao dịch nhưng quyết định này lại không được chuyển cho công chứng. Nếu tòa đã thụ lý, sau có căn cứ cho rằng người khởi kiện không đủ quyền khởi kiện thì trả lại đơn và đình chỉ.

Theo một thẩm phán, trường hợp đi kiện công chứng là trường hợp mới, ít gặp trong thực tiễn giải quyết án. Trong nhiều cuộc họp các địa phương cũng có phản ánh nhiều về thẩm quyền giải quyết. Vì chưa có hướng dẫn chung thống nhất nên hiện nay các tòa đang rất lúng túng trong việc này. Việc kiện công chứng này có thể rơi vào các trường hợp khác (tranh chấp tùy nghi)...

Tòa có quyền giải quyết

Luật sư Trần Quốc Khánh (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương) nhận xét ở đây ông C. không yêu cầu hủy quyết định. Ông kiện công chứng viên vì tắc trách thì rõ ràng là ông kiện hành vi hành chính, tức hành vi ký của công chứng viên đã gây thiệt hại cho ông.

Luật sư Bùi Viết Nông (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì đặt giả thiết: Giả sử ông C. đi kiện công chứng tư (văn phòng công chứng) đòi bồi thường thiệt hại thì sao? Công chứng tư được hiểu như một doanh nghiệp, không phải cơ quan nhà nước. Như vậy kiện tổ chức công chứng đòi bồi thường thiệt hại trong trường hợp này là khiếu kiện dân sự, thuộc thẩm quyền của tòa.

Luật sư Nông nói thêm, khi thiệt hại do công chứng viên gây ra, không nên áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho dù công chứng viên là công chức, viên chức để có sự công bằng giữa các phòng công chứng và văn phòng công chứng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại trong việc yêu cầu bồi thường.

Thẩm phán Nguyễn Văn Hoàng (Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh Bạc Liêu) thì bảo trước đây luật chưa cho phép tòa án thụ lý giải quyết các tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu nhưng nay theo luật thì tòa án đã có đầy đủ thẩm quyền để thụ lý vụ tranh chấp này. Tuy nhiên, với tranh chấp trên nên để các bên thương lượng, đối thoại để tìm ra vướng mắc.

Thẩm phán Huỳnh Danh (Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh Quảng Nam) cho rằng vụ việc này tòa có thể thụ lý. Phòng công chứng cũng có thể là bị đơn trong vụ kiện dân sự. Vấn đề bồi thường thiệt hại do công chứng viên gây ra có sự chồng chéo giữa luật công chứng và BLDS, có sự phân biệt công chứng viên thuộc phòng công chứng (viên chức nhà nước) và công chứng viên thuộc văn phòng công chứng (công chứng tư) nhưng dù vậy không làm giảm thẩm quyền của tòa ở vụ việc này.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm