Lại một vụ án oan bị né bồi thường

Người bị oan trong vụ này là ông Trương Bá Nhàn, từng bị cơ quan điều tra Công an TP.HCM khởi tố, bắt giam 1.346 ngày về hai tội giết người và cướp tài sản. Sau khi được đình chỉ điều tra, ông Nhàn đã gửi đơn yêu cầu bồi thường oan tổng cộng hơn 700 triệu đồng đến nhiều nơi nhưng năm năm qua, những gì ông nhận được chỉ là sự im lặng.

Truy tố xong rồi đình chỉ

Theo hồ sơ, khoảng 12 giờ ngày 12-12-2001, em NTNP đi học về nhà (đường Lạc Long Quân, phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM) thì phát hiện mẹ mình là bà HTKA đang nằm sấp trên nền nhà, đầu và mặt có nhiều vết máu. Nghe em P. tri hô, người dân kéo đến, phát hiện nạn nhân đã chết nên trình báo công an phường.

Hiện trường vụ án ngổn ngang, đồ đạc trong nhà bị lục tung, hai cánh cửa tủ mở, hộc tủ bị kéo bung ra. Chồng nạn nhân sau đó cho biết tài sản bị mất khoảng 60-80 triệu đồng cùng khoảng 5, 6 lượng vàng SJC. Khám nghiệm hiện trường, công an thu giữ được dấu vân tay ở mặt trong của hộc tủ.

Kết quả giám định sau đó cho thấy dấu vân tay để lại trùng khớp với dấu vân tay của ông Nhàn, một người bà con bạn dì của chồng nạn nhân. Ngày 3-1-2002, ông Nhàn bị bắt. Khám nơi ở của ông, cơ quan điều tra thu được 62 triệu đồng và năm lượng vàng.

Với sự trùng khớp dấu vân tay cùng số vật chứng tiền, vàng như trên, sự thật của vụ án dường như đã quá sáng tỏ, ông Nhàn khó mà chối cãi. Đó là chưa nói qua xác minh, cơ quan điều tra còn kết luận ông Nhàn có một “quỹ thời gian trống” từ 10 giờ 5 phút đến 11 giờ 30 sáng hôm xảy ra án mạng. Theo cơ quan điều tra, ông Nhàn không chứng minh được khoảng thời gian trống này ông làm việc gì.

Lại một vụ án oan bị né bồi thường ảnh 1

Ông Nhàn đang tá túc trong căn phòng nhỏ của nhà một người quen ở xã Tân Lợi, Đồng Phú (Bình Phước), vất vưởng làm thuê kiếm sống qua ngày. Ảnh: TB

Vì vậy, hơn một năm sau, ông Nhàn bị truy tố ra tòa bằng bản cáo trạng bốn trang mặc cho ông luôn kêu oan từ đầu đến cuối. Nhưng rồi không hiểu sao vụ án đã không được đưa ra xét xử dù ông Nhàn từng nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử ba lần. Ngày 9-9-2005, ông Nhàn được cho tại ngoại. Tháng 6-2006, cơ quan điều tra ký quyết định đình chỉ điều tra bị can. Tổng cộng ông Nhàn đã bị tạm giam 1.346 ngày.

Chứng cứ buộc tội bị “phá sản”

Theo lời ông Nhàn, quá trình điều tra ông luôn khẳng định mình bị oan nhưng vẫn bị điều tra viên đánh đập, một hai bắt phải nhận tội.

“Tôi kiên quyết không nhận vì mình không làm. Về dấu vân tay để lại trong hộc tủ, tôi giải thích với họ rằng tôi thường đến nhà chị A. chơi vì tôi và chồng chị là anh em bạn dì thân thuộc. Trước hôm xảy ra án mạng khoảng một tuần, tôi có đến nhà gặp lúc chị A. đang dọn dẹp đồ đạc. Chị nhờ tôi sắp xếp lại đồ đạc trong tủ nên mới lưu lại dấu vân tay. Về khoản tiền, vàng cũng có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Trước đó, bà già vợ tôi có bán đất, bả gửi cho vợ tôi cất giữ số tiền, vàng đó. Tôi đã kể chuyện bà già vợ bán đất được nhiêu đấy, nhiêu đấy với chồng chị A. trước ngày xảy ra án mạng. Có lẽ vì vậy mà lời khai về số tiền, vàng của chồng chị A. khá trùng khớp với số tiền, vàng của bà già vợ bán đất như đã nói” - ông Nhàn kể.

Lời khai về tiền, vàng của ông Nhàn trùng khớp lời khai của mẹ vợ và vợ ông và cả người mua đất. Đặc biệt, trên miếng vàng mà cơ quan điều tra thu giữ còn lưu lại chữ viết bằng mực bút lông màu xanh của người mua đất. Đây là bằng chứng rõ ràng nhất khiến cơ quan điều tra sau đấy phải trả lại số tiền và vàng cho mẹ vợ ông Nhàn.

Có thể nói hai nguồn chứng cứ quan trọng để buộc tội ông Nhàn là dấu vân tay và số tiền, vàng đã không còn đứng vững được nữa. Về khoảng thời gian “bất minh” của ông Nhàn cũng vậy. Lời khai của ông và các nhân chứng khác cho biết từ 8 giờ 30 ông đi bỏ mối khẩu trang với nhân chứng C., đến 10 giờ 15 phút thì ông và nhân chứng C. về nhà (ở đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh). Nhân chứng C. đi đón con, còn ông Nhàn sau đó đi làm răng ngoài Bình Triệu. Hơn nữa, với khoảng thời gian trên dưới một tiếng đồng hồ, không ai có thể chạy xe từ đường Nơ Trang Long tới đường Lạc Long Quân (khoảng 10 km) vào giờ tan tầm kẹt xe để gây án rồi trở về…

Không sòng phẳng!

Những điều trên đã lý giải vì sao vụ án đã không hề được đưa ra xét xử mà phải đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, thay vì lý do đình chỉ phải được ghi rõ là bị can không thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra lại ghi “hết thời hạn điều tra nhưng không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội” (điểm b khoản 2 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Vì sao vậy? Bởi vì nếu ghi bị can không phạm tội, cơ quan tố tụng sẽ phải bồi thường oan cho ông Nhàn theo Nghị quyết 388 trước đây (nay đã được thay thế bằng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước). Còn nếu ghi lý do đình chỉ như đã nói thì cơ quan tố tụng sẽ không phải bồi thường gì cả.

Một điều rõ như ban ngày mà bất kỳ ai đọc hồ sơ vụ án này cũng thấy được là ông Nhàn không hề có tội. Chỉ vì các cơ quan tố tụng chủ quan, nóng vội nên đã khởi tố, bắt giam oan ông. Đến khi phát hiện ra sai lầm, lẽ ra phải dũng cảm nhận rõ trách nhiệm về mình để minh oan cho người vô tội thì lại tìm cách tránh né bồi thường.

Những rủi ro trong quá trình điều tra, phá án để chứng minh tội phạm (dù khách quan hay do năng lực của cán bộ điều tra) là điều phần nào có thể thông cảm được. Nhưng đẩy rủi ro ấy về phía người dân và bắt họ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề chỉ vì lỗi của cơ quan tố tụng là điều không thể chấp nhận!

NGÔ THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm