Lời nói sau cùng của gia đình bị cáo Đoàn Văn Vươn

Ngày 4/4, mở đầu phần tranh tụng, luật sư Nguyễn Việt Hùng (một trong 4 người bào chữa cho ông Đoàn Văn Vươn) cho rằng quyết định thu hồi 19,3 ha đất với lý do hết thời hạn sử dụng của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) với gia đình ông Vươn là trái pháp luật. Theo ông Hùng, điều này đã được chứng minh bằng kết luận của Thủ tướng.

"Các thân chủ của tôi đã bảo vệ tài sản và nơi ở hợp pháp”, luật sư Hùng trình bày. Cùng quan điểm, luật sư Phùng Khắc Lợi cho rằng gia đình ông Vươn khi được giao đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia đã cải tạo khu đất hoang thành đầm nuôi trồng thủy sản. "Quyết định của UBND huyện Tiên Lãng khiến các bị cáo bức xúc, bàn việc chống đối", ông nói.

Luật sư Phạm Hồng Bách (bào chữa cho bà Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương) cũng cho rằng huyện đã ban hành văn bản thu hồi đất trái pháp luật. "Do vậy, lực lượng tham gia cưỡng chế hôm đó không phải đang làm nhiệm vụ", ông nói và phân tích hành vi của hai thân chủ không phạm vào tội Chống người thi hành công vụ.

Luật sư Trần Đình Triển (bảo vệ bà Thương và Báu) đề nghị HĐXX làm rõ những vết đạn trên tường nhà bị cáo Đoàn Văn Quý do ai bắn. "Đây là tình tiết quan trọng để xác định hành vi của các bị cáo", luật sư nêu quan điểm. Ông Triển đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, chuyển vụ án cho toà án quân sự xét xử vì nhiều bị hại là quân nhân.

Đối đáp với luật sư Triển, đại diện VKS cho hay khi khám nghiệm tại hiện trường không có vết đạn nào.

Công tố viên bác bỏ quan điểm các bị cáo Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ không giết người mà chỉ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. "Những người làm nhiệm vụ đều là chiến sĩ thuộc lực lượng công an và quân đội. Họ theo phân công của đơn vị", công tố viên nhấn mạnh.

Lời nói sau cùng của gia đình bị cáo Đoàn Văn Vươn ảnh 1
Bị cáo trong phiên xử ngày 4/4. Ảnh: TTXVN


Trước lập luận của luật sư rằng tổ công tác hôm đó vào nhầm khu vực cưỡng chế, đại diện VKS đã phủ nhận. Theo VKS, đoàn cưỡng chế phải đi qua để tiếp cận khu vực 19,3 ha của gia đình ông Vươn. "Chọn lối đi dễ nhất để thực hiện nhiệm vụ là điều dễ hiểu và tất yếu", công tố viên nói.

Khẳng định lực lượng tham gia cưỡng chế không sử dụng vũ khí để đe dọa tính mạng người khác, VKS tiếp tục cho rằng đủ cơ sở kết luận bị cáo Vươn, Quý, Vệ và Sịnh đã phạm tội Giết người.

“Hành vi giết người của các bị cáo có cả chủ quan và khách quan. Khách quan vì họ sử dụng mìn tự tạo, súng hoa cải gây thương tích cho 7 cán bộ làm nhiệm vụ. Chủ quan là việc bắn súng hoa cải khi cách đó 18 mét, hậu quả xảy ra chết người là ngoài ý muốn của các bị cáo”, VKS lập luận.

Cuối phần tranh tụng, cơ quan công tố cho biết việc Vệ không mua được súng là ngoài kế hoạch chứ bị cáo không tự chấm dứt làm việc này. Đây được xem là hành vi dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

Dù xác định có 7 bị hại trong vụ án, nhưng VKS cho rằng hậu quả chưa để lại nặng nề (dẫn đến chết người) nên chỉ cần truy tố bị cáo Vươn, Quý, Sịnh, Vệ về hành vi "giết người đang thi hành công vụ" mà không cần áp dụng tình tiết "giết nhiều người".

Trước đối đáp của đại diện VKS, nhiều luật sư tiếp tục nêu ý kiến. Khi công tố viên cho biết không tranh tụng nữa, câu trả lời đều đã có trong phần buộc tội, nhiều luật sư cho biết thấy hẫng hụt.

Cuối buổi chiều, trong lời nói sau cùng, ông Vươn bảo do "không còn con đường nào khác" nên buộc phải chống lại. "Anh em chúng tôi không muốn gây chết người tại mảnh đất của mình nên đã cảnh báo trước khi xảy ra vụ cưỡng chế", bị cáo 50 tuổi nói. Trước khi dừng lời, ông Vươn nêu lại quan điểm của luật sư, đề nghị được chuyển tội danh sang Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Vừa khóc vừa nói, người em kém ông Vươn 3 tuổi là bị cáo Quý không xin gì cho mình, chỉ mong tòa giữ nguyên mức án VKS đã đề nghị áp dụng cho anh trai.

Bị cáo Sịnh nói ngắn gọn rằng đồng ý với đề nghị của em trai - ông Vươn. Hai nữ bị cáo duy nhất, cũng là các bà vợ của bị cáo Vươn, Quý, trong lời nói sau cùng đề nghị tòa trả tự do cho tất cả người trong gia đình.

Theo Nhóm phóng viên VNE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm