Ly hôn vì vợ nói... ‘bán chồng’

Theo đơn xin ly hôn của ông Th. (ngụ huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), ông và bà B. sống với nhau được hơn 30 năm, có sáu con chung thì phát sinh mâu thuẫn do bất đồng quan điểm. Tình cảm vợ chồng không còn nên ông bà đã ly thân gần hai năm nay.

“Tôi bán ổng cho người ta đó”

Ông Th. viết trong khoảng thời gian đó, tình cảm giữa ông bà không thể nào hàn gắn được. Có những điều tế nhị làm ông khổ tâm như bà B. đi “rêu rao bán chồng với giá 20 triệu đồng” nên ông không thể nào chấp nhận và sống chung với bà B. được nữa. Vì vậy, ông cương quyết yêu cầu TAND huyện Mỏ Cày Bắc cho ly hôn bà B. Về con chung, sáu người con đều đã trưởng thành nên không ai phải nuôi con. Nợ chung không có, còn tài sản chung thì ông bà tự thỏa thuận.

Bà B. thì không đồng ý ly hôn, khai rằng giữa ông bà không hề có mâu thuẫn gì lớn. Gần đây, ông Th. đi theo người đàn bà khác lên sống ở tận TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Mấy chị bạn trong xóm hay trêu chọc bà rằng ông Th. đã bỏ bà đi theo người ta rồi. Bà bực nên mới trả lời: “Đi thì đi, tôi bán ổng cho người ta đó. Miễn sao trả cho tôi hai chục triệu đồng là được”.

Sơ thẩm cho ly hôn, phúc thẩm bác

Xử sơ thẩm, TAND huyện Mỏ Cày Bắc đã chấp nhận cho ông Th. ly hôn. Bà B. kháng cáo.

Trong phiên phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Bến Tre nhận định: Ông Th. đưa ra lý do ông bà B. mâu thuẫn và đã ly thân hai năm nay. Tuy nhiên, qua xem xét lời khai giữa các bên thì việc ly thân là do ông Th. tự bỏ đi theo người đàn bà khác, trong khi tình cảm của bà B. không hề thay đổi. Bà B. vẫn còn tình nghĩa vợ chồng với ông Th., luôn mong muốn ông Th. quay về sống với vợ con. Việc ông Th. cho rằng bà B. rêu rao “bán chồng” thực chất đó chỉ là lời nói bâng quơ của bà B. trong lúc tức giận bị hàng xóm trêu chọc. Ông Th. muốn ly hôn nhưng không chứng minh được mâu thuẫn vợ chồng nên tòa không chấp nhận.

Bác đơn là đúng

Đồng tình với tòa phúc thẩm, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích người đơn phương xin ly hôn như ông Th. phải chứng minh được tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được (khoản 1 Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000). Ở đây, ông Th. không có gì chứng minh, chỉ vịn vào cớ vợ rêu rao “bán chồng” nhưng câu nói ấy chỉ như lời nói đùa giữa những phụ nữ cùng lối xóm, không phải là sự xúc phạm ghê gớm gì khiến ông phải khổ tâm.

Tuy nhiên, luật sư Chánh cũng lưu ý thêm: Việc vợ chồng ông Th. có chung sống hạnh phúc lại hay không thì không chỉ bằng bản án của tòa mà còn là từ tình cảm yêu thương thật lòng giữa hai người.

Luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Tòa phúc thẩm bác đơn của ông Th. tức đã tạo điều kiện cho ông bà có một khoảng thời gian suy nghĩ lại. Còn nếu thật sự ông Th. cương quyết dứt tình thì theo luật, một năm sau ông Th. có quyền xin ly hôn tiếp và lúc đó các cấp tòa sẽ tiếp tục xem xét, giải quyết.

Hướng dẫn của TAND Tối cao

a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hòa giải nhiều lần.

- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau như thường xuyên đánh đập hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hòa giải nhiều lần.

- Vợ chồng không chung thủy với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.

(Theo điểm a Mục 8 Nghị quyết 02/2000 của
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm