Mới ra tù lại trộm điện thoại

Theo hồ sơ, vừa mới ra tù nhưng Nguyễn Quốc Tuấn không chịu tu tỉnh làm ăn. Khuya 2-12-2010, Tuấn đã cùng một người bạn đột nhập vào nhà một người dân trộm gà nhưng không tìm được con nào.

Hai tòa chỏi nhau

Lúc quay ra, nhìn thấy một chiếc điện thoại (trị giá 100.000 đồng) của gia chủ để trên đầu tủ, cả hai liền trộm lấy. Tuấn và bạn đang định trộm thêm tài sản khác thì bị phát hiện... Nhận thấy Tuấn có hai tiền án (một tiền án chín tháng tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và một tiền án 12 tháng tù về tội trộm cắp tài sản; cả hai tiền án đều chưa được xóa án tích), đồng phạm của Tuấn có một tiền án về trộm cắp tài sản (chưa được xóa án tích) nên cơ quan điều tra đã khởi tố cả hai về tội trộm cắp tài sản.

Xử sơ thẩm, TAND một huyện của tỉnh Hậu Giang nhận định mặc dù tài sản các bị cáo trộm được chưa đủ định lượng theo quy định (2 triệu đồng) nhưng do hai bị cáo có tiền án về tội trộm cắp tài sản nên đã cấu thành tội trộm cắp... Riêng bị cáo Tuấn có hai tiền án nên phải chịu tình tiết tăng nặng là tái phạm. Tòa tuyên phạt Tuấn 30 tháng tù...

Mới ra tù lại trộm điện thoại ảnh 1

Xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Hậu Giang cho rằng tòa cấp sơ thẩm xác định bị cáo Tuấn phạm tội thuộc trường hợp tái phạm là không đúng. Bởi luật quy định những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Ở đây, tình tiết “tiền án” đã là yếu tố định tội. Do xác định tình tiết tăng nặng không đúng nên mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên là có nghiêm khắc đối với Tuấn. Vì vậy, tòa giảm cho bị cáo Tuấn sáu tháng tù.

Không tách rời các tiền án?

Xung quanh vụ án này, hiện đang có nhiều điểm về việc áp dụng tình tiết tăng nặng tái phạm đối với bị cáo Tuấn. Quan điểm thứ nhất đồng tình với bản án sơ thẩm bởi bị cáo Tuấn có hai tiền án và đều chưa được xóa án tích. Chỉ cần dựa vào tiền án gần nhất của bị cáo (tội trộm cắp tài sản) thì hành vi của bị cáo Tuấn đã cấu thành tội phạm. Còn tiền án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không phải là dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự (định tội) lần này với bị cáo Tuấn. Do đó, cần lấy tiền án này để xác định lần phạm tội này của bị cáo là tái phạm.

Quan điểm thứ hai lại đồng tình với bản án phúc thẩm. Theo quan điểm này, luật chỉ quy định chung rằng những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng mà không nói rõ nếu các yêu tố đó giống nhau (cùng là tiền án chẳng hạn) thì phải căn cứ vào yếu tố nào; căn cứ vào một hay toàn bộ các yếu tố đó để xác định tội phạm đã cấu thành hay chưa. Do đó, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo Tuấn thì không thể tách rời hai tiền án để xác định bị cáo phạm tội với tình tiết tăng nặng tái phạm...

Bị cáo đã tái phạm

Điều 138 (tội trộm cắp tài sản) quy định người nào trộm cắp tài sản của người khác... dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo... Tôi cho rằng nếu trước lần phạm tội này, bị cáo có nhiều tiền án đều về các tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích thì cần phải xác định không là tái phạm bởi yếu tố này đã là yếu tố định tội. Còn nếu bị cáo chỉ có một tiền án về các tội chiếm đoạt tài sản... các tiền án còn lại không có tiền án nào về các tội này thì sẽ bị coi là tái phạm. Do đó, tôi đồng tình với bản án của tòa cấp sơ thẩm, trường hợp này, bị cáo Tuấn tái phạm vì chỉ có một tiền án về tội chiếm đoạt tài sản (tội trộm cắp...).

Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM

NAM PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm