Nhờ bán xe Mẹc bị thiệt

Theo hồ sơ, hơn hai năm trước, bà N. - một chủ doanh nghiệp nhờ bà A. bán giúp bốn chiếc xe ôtô, trong đó có ba chiếc Mercedes. Ít ngày sau, bà A. thông báo đã tìm được người mua...

Nhờ bán xe Mẹc bị thiệt ảnh 1

Tự ý cho trả chậm

Bà A. còn cho biết bên mua xe sẽ trả trước 850 triệu đồng. Số tiền còn nợ lại là 820 triệu đồng, bên mua sẽ trả đủ khi sang tên.

Tuy nhiên, sau này bà N. phát hiện với số tiền người mua xe còn nợ, bà A. đã tự ý thay mình ký hợp đồng với bên mua xe cho phép chuyển thành tiền vay trả chậm trong vòng năm năm. Thấy mình bị lừa, bà N. đã tố giác hành vi lừa đảo của bà A. đến cơ quan điều tra. Tuy nhiên, sau khi xem xét, cơ quan điều tra cho rằng không có dấu hiệu phạm tội. Lúc này, bà N. chuyển sang khởi kiện người mua xe, đòi phải trả hết 820 triệu đồng tiền nợ.

Xử sơ thẩm, TAND TP Rạch Giá (Kiên Giang) nhận định người mua xe thừa nhận còn nợ tiền mua xe như phía bà N. nêu nhưng xin được trả chậm như đã ký kết với bà A. Xét hợp đồng vay trả chậm này thực chất là tiền nợ mua xe. Đây là giao dịch dân sự giả cách, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ các bên đối với việc vay nợ. Phía bị đơn và bà A. không chứng minh được bà N. biết hay ủy quyền cho bà A. thực hiện việc cho trả dần số tiền mua xe. Do vậy, HĐXX chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả hết số tiền còn nợ cho nguyên đơn.

Không phải giao dịch giả cách

Thấy bị thiệt thòi, bị đơn đã kháng cáo đề nghị tòa bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Xử phúc thẩm vừa qua, TAND tỉnh Kiên Giang đã sửa án sơ thẩm vì cho rằng án có sai sót. Theo cấp phúc thẩm, bà N. đã xuất hóa đơn bán hàng cho bên mua (phía bà N. là doanh nghiệp) trước khi bà A. và bên mua xe lập hợp đồng vay trả chậm 10 ngày… Do đó có cơ sở cho rằng bà N. biết hợp đồng vay trả chậm trên. Bản án sơ thẩm nhận định hợp đồng này là giao dịch giả cách để tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả 820 triệu đồng một lần là không phù hợp. Tòa sửa án sơ thẩm, chấp nhận kháng cáo của bị đơn, buộc bị đơn phải thanh toán số tiền mua xe còn nợ theo như hợp đồng vay trả chậm mà hai bên đã ký kết. Theo đó, mỗi tháng bị đơn phải thanh toán trên 13 triệu đồng tiền gốc cộng thêm lãi trên số tiền gốc còn lại. Thời hạn thanh toán đến hết 30-4-2013...

Sau án phúc thẩm, phía nguyên đơn đã làm đơn khiếu nại xin kháng nghị giám đốc thẩm. Theo đơn, tòa cấp phúc thẩm đã chấp nhận hợp đồng mua bán xe của hai bên nhưng lại không chấp nhận việc nguyên đơn đòi tiền chưa thanh toán là trái luật. Tòa cũng không thể cho rằng nguyên đơn xuất hóa đơn bán hàng cho bên mua xe trước khi có hợp đồng vay trả chậm thì buộc nguyên đơn phải biết hợp đồng này. Bởi trong kinh doanh, việc xuất hóa đơn trước khi nhận được tiền thanh toán là quy trình bình thường. Hơn nữa, do không hề hay biết gì về chuyện bà A. qua mặt ký hợp đồng với bị đơn, nguyên đơn đã từng đề nghị xử lý hình sự hành vi này nhưng không được chấp nhận. Do vậy, cần phải xác định hợp đồng vay trả chậm trên là giao dịch giả cách, trái với ý chí của chủ tài sản như cấp sơ thẩm đã tuyên...

HÀ AN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy