Sa thải vì lý do lặt vặt

Công ty nói nhân viên làm trái nguyên tắc gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ty nên sa thải...

Sáng 23-3, TAND quận Tân Bình (TP.HCM) đã hoãn phiên tòa theo yêu cầu của nguyên đơn trong vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do bị công ty sa thải. Trước đó, nguyên đơn cho rằng công ty sa thải ông trái pháp luật vì chỉ dựa vào những lỗi rất nhỏ...

Đòi công ty bồi thường

Trong đơn khởi kiện, ông B. trình bày năm 2006, ông vào làm việc tại Công ty I - chuyên về giám định xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy hải sản, thực phẩm. Quá trình công tác, ông luôn làm theo chỉ dẫn của cấp trên, hoàn thành tốt công việc.

Từ tháng 10-2009, công việc của công ty giảm dần nên cần giảm bớt người lao động. Từ đó công ty vin vào những lỗi rất nhỏ rồi sa thải ông. Chẳng hạn, công ty nói ông không tuân thủ hướng dẫn của trưởng phòng, cố ý làm trái chỉ định, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín khách hàng. Hoặc ông che giấu các sai sót trong khi giám định khiến khách hàng mất niềm tin và ngưng dịch vụ, ảnh hưởng đến kinh doanh, lợi nhuận của công ty...

Theo ông, việc buộc thôi việc này hoàn toàn trái pháp luật bởi ông không phạm các lỗi như công ty đã nêu. Thêm nữa, công ty không thông báo việc tổ chức phiên họp xét kỷ luật lao động nên ông mất quyền có ý kiến về trình tự sự việc. Ông yêu cầu TAND quận Tân Bình buộc công ty hủy bỏ quyết định sa thải, nhận ông vào làm việc lại. Đồng thời công ty phải bồi thường khoản thu nhập bị mất từ ngày sa thải ông đến khi nhận ông làm lại. Trường hợp công ty không nhận ông nữa thì phải trả tiền trợ cấp thôi việc bồi thường.

Sa thải vì lý do lặt vặt ảnh 1

Nhân viên gây thiệt hại?

Bị kiện, Công ty I cho rằng trong quá trình giám định 28 tấn hạt điều nhân, ông B. tự ý cho phép nhà máy sửa lại hạn sử dụng trên bao bì sản phẩm. Đáng lý khi phát hiện sai sót, ông B. phải báo cáo. Việc này vi phạm quy định rất nghiêm ngặt về nhãn hiệu ghi trên bao bì, nhất là mặt hàng nông sản thực phẩm của Dubai. Hậu quả là khách hàng khiếu nại, cho rằng công ty xuất lô hàng kém chất lượng, bị lẫn loại hạt điều rẻ tiền. Cuối cùng, khách hàng từ chối nhận hàng và yêu cầu công ty bồi thường 42.000 USD. Khách hàng còn ra thông báo không thanh toán phí giám định năm 2009 là 19.200 USD, đồng thời chấm dứt hợp đồng giám định.

Ngày 25-7-2011, công ty có đơn phản tố cho rằng nếu ông B. muốn nhận số tiền lương như yêu cầu thì phải bồi thường thiệt hại cho công ty. Cụ thể, ông B. phải bồi thường số tiền công ty bị khách hàng cấn trừ phí giám định, bồi thường những thiệt hại khác sau này khi công ty thu thập đủ chứng cứ. Cạnh đó, ông B. phải làm thế nào đó phục hồi được uy tín và danh dự cho công ty, xin lỗi ban giám đốc về những thiệt hại.

Sau quá trình hòa giải, hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung nên tòa đành đưa vụ kiện ra xét xử. Tuy nhiên, vừa qua ông B. có đơn xin hoãn xử để về quê thu hoạch vụ lúa và để luật sư của ông có thời gian nghiên cứu hồ sơ nên tòa hoãn phiên xử...

Hai bên đều phải có chứng cứ chứng minh yêu cầu

Đây là vụ tranh chấp về hai quan hệ độc lập: tranh chấp xử lý kỷ luật lao động và tranh chấp về bồi thường thiệt hại. Theo quy định của pháp luật, hai bên đương sự đều có nghĩa vụ phải chứng minh cho yêu cầu của mình.

Điều 85 BLLĐ quy định nếu người lao động có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp thì sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải. Ở đây nếu ông B. muốn tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện thì phải chứng minh được không có việc ông tự ý cho phép sửa lại hạn sử dụng trên bao bì hoặc có việc này nhưng không gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của công ty. Cũng vậy, công ty phải thu thập các chứng cứ đủ để chứng minh hành vi của ông B. là có lỗi và đã gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.

Luật sư TRỊNH CÔNG MINH, Đoàn Luật sư TP.HCM

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm