Sự im lặng của đứa con

LTS: Hai người mẹ ở hai phiên tòa khác nhau, một người khổ lụy vì con, một người ngược lại, vì mình mà làm con trẻ khổ.

Người mẹ năm nay 77 tuổi đã già yếu, cử chỉ chậm chạp, tai nghễnh ngãng, mắt mờ, mang trong người nhiều bệnh. Suốt phiên tòa, hội đồng xét xử đã cho bị cáo ngồi để trả lời thẩm vấn vì biết bà không thể đứng lâu.

Sự im lặng của đứa con ảnh 1

Bà cụ tên Nguyễn Thị Nguyệt, bị công an bắt quả tang đang bán ma túy tại nhà. Khách hàng chủ yếu là do con ruột (Trần Anh Hải - nghiện heroin) giới thiệu. Nghe đọc lý lịch của Hải, ai cũng phải giật mình vì từ năm 1992 đến trước khi bị bắt Hải đã có ba tiền án, tổng cộng hơn 12 năm tù và chưa được xóa án tích. Ngoài hai lần lãnh án về tội trộm cắp tài sản, bị cáo có một tiền án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

TAND quận Phú Nhuận đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Nguyệt 5 năm tù, Trần Anh Hải 9 năm tù cùng về tội mua bán trái phép chất ma túy. Bị cáo Nguyệt khai mua sỉ heroin của một người không rõ lai lịch với giá 40.000 đồng/tép, bán lại 70.000 đồng/tép, đã mua bán ma túy được khoảng sáu tháng, mỗi ngày bán được 4-5 tép, thu lợi 21 triệu đồng.

Tòa nhận định bị cáo Nguyệt tuổi cao nhiều bệnh nhưng phạm tội nhiều lần với số lượng lớn nên không thể xem xét giảm nhẹ thêm.

Khi đại diện Viện KSND quận vừa đọc xong cáo trạng, từ phía dưới người tham dự đã xì xào bàn tán và có nhiều thắc mắc vì sao đã ở tuổi gần đất xa trời mà bà cụ vẫn còn phạm tội?

Hội đồng xét xử cũng hỏi câu ấy, bà cụ nói: “Hồi nào giờ tui có biết gì đâu, đâu có biết bán ma túy là phạm pháp. Nếu biết là phải đi tù thì chết còn sướng hơn chứ tòa…?”. Nhiều câu trả lời sau đó bà cũng chỉ lòng vòng lặp lại như thế. Vẻ mặt đờ đẫn, đôi mắt nhắm nghiền, bị cáo hết cúi đầu rồi lại nghiêng qua nghiêng lại như thể muốn lấy sự già yếu của mình ra thách thức với tòa.

Gần nửa giờ sau đó, chủ tọa và các thành viên hội đồng xét xử ra sức giải thích bị cáo phải khai báo thành khẩn, tuổi già sức yếu chỉ là tình tiết xem xét để giảm nhẹ chứ không đồng nghĩa với việc không bị bắt tội.

Sau vài phút im lặng, cuối cùng bị cáo Nguyệt thú nhận: “Thiệt tình tui biết mình phạm tội, nhưng tui bán vì để có thuốc cho thằng Hải hút, vừa có thể dành dụm ít tiền đi cai nghiện cho nó. Tui già rồi, chẳng biết làm gì ra tiền thì lấy đâu tiền chữa nghiện cho nó. Bây giờ lầm lỡ rồi, khổ quá tòa ơi…”.

Bị cáo nén một hơi dài để nói như trút hết nỗi lòng, kể mình có cả thảy năm người con nhưng vẫn ở một mình vì không hợp tính với người con nào. Thấy Hải hơn 40 tuổi đầu nhưng gần 20 năm nghiện ngập, không có vợ con nên bà gọi đến ở cùng để chăm sóc, động viên con cai nghiện.

Thế nhưng ý định của bà thất bại, từ đó bà thành người đồng lõa với con, bắt đầu rẽ trái vào con đường phạm tội ở cái tuổi lẽ ra phải được thảnh thơi an nhàn.

Tòa hỏi tiếp: “Sao bị cáo không bỏ mặc bị cáo Hải hoặc tìm cách khác cứu con mà lại chọn cách bán ma túy?”. Cụ im lặng không trả lời. Lúc này người ta thấy gương mặt bà cụ biến sắc, trắng bệch và đầy mệt mỏi. Lẽ thường, cha mẹ già cả một đời vất vả nuôi con sẽ được con cái chăm sóc phụng dưỡng. Thế nhưng bà cụ lại ở trong hoàn cảnh ngược lại, đã gần đất xa trời vẫn còn phạm pháp vì con.

Bi kịch hơn, bị cáo Hải lại không có vẻ gì đã nhận ra điều đó. Đứng cạnh người mẹ già yếu song Hải không mảy may tỏ ra quan tâm. Trong phần thẩm vấn Hải, hai vị hội thẩm nhân dân ra sức phân tích luân thường đạo lý, bổn phận làm con nhưng khi hỏi rằng bị cáo có thấy mình sai không, Hải chỉ im lặng…

“Chừng nào mẹ về?”

Hai đứa trẻ, một trai một gái, đen đúa trong bộ quần áo cũ nát, rộng quá khổ so với thân hình gầy gò của chúng. Bé gái khoảng 14, 15 tuổi, lúc nào cũng nắm chặt tay em trai khoảng 7, 8 tuổi như sợ em mình lạc mất. Hai đứa trẻ ngồi đó, ngơ ngác giữa không gian rộng lớn của phòng xét xử hình sự Tòa án nhân dân thị xã Hà Tiên (Kiên Giang). Cảnh sát bảo vệ bước đến kêu cả hai ra ngoài vì theo quy định trẻ em không được vào phòng xử án.

Bé gái hốt hoảng nắm lấy tay em chặt hơn, rơm rớm nước mắt: “Chú ơi, cho con ngồi ở đây chờ má con”... Ánh mắt của hai đứa trẻ chợt sáng lên khi một phụ nữ với gương mặt trắng bệch, ngượng ngùng trong chiếc áo tù bước vào đứng trước vành móng ngựa.

Với giọng nói đều đều như đã học thuộc lòng từ trước, bị cáo Lê Thị Hồng Ly trình bày rành rọt hoàn cảnh phạm tội của mình. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Giục Tượng, huyện Châu Thành (Kiên Giang), một chữ bẻ đôi không biết nên cuộc đời của bị cáo gắn chặt với nghiệp làm thuê. Cuộc sống càng khó khăn, túng quẫn khi lần lượt hai con ra đời, cộng thêm người chồng mỗi khi rượu vào là đòn roi vung ra với vợ con. Sau khi ly hôn, Ly dắt díu hai con tha phương cầu thực.

Tại Hà Tiên, Ly được bà U. - một chủ tiệm vàng ở phường Bình San - thuê giúp việc nhà. Những tưởng như vậy đã quá tốt đối với Ly, nếu như bị cáo không bị tiếng sét ái tình với một thanh niên kém hơn mình đến 12 tuổi. Tiền lương của một người giúp việc nhà không thể trang trải cho tất cả, thế là con gái lớn phải bỏ học đi bán vé số.

Trong một lần dọn dẹp phòng của bà U., nhìn thấy cặp nhẫn bà U. để quên trên giường, bị cáo nhanh tay nhét cặp nhẫn vào túi. Mấy ngày sau, bị cáo đến một tiệm vàng ở Hà Tiên bán được 290.000 đồng (trong khi trị giá thật lên tới 4 triệu đồng). Người xưa nói “ăn cắp quen tay” quả không sai, lần thứ hai bị cáo tiếp tục trộm 2 chỉ vàng 18K, lần thứ ba trộm 4 chỉ vàng 18K thì bị bắt. Chỉ thương cho mẹ của bị cáo, khi hay tin con mình phạm tội bà phải chạy vạy khắp nơi, hỏi mượn của con cháu được 4 triệu đồng trả bà U. để mong con gái được giảm nhẹ hình phạt.

Khi đại diện viện kiểm sát hỏi với số tiền chiếm đoạt hơn 11 triệu đồng, bị cáo đã tiêu xài vào việc gì mà chỉ trong thời gian chưa đầy một tháng đã hết, bị cáo Ly ấp úng: “Dạ, tiêu xài trong gia đình”. Nghe câu trả lời của bị cáo, tôi bất chợt nhìn vào thân hình gầy gò và bộ quần áo cũ nát của hai đứa trẻ. Cho dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục một phần thiệt hại cho người bị hại; bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự nhưng với tình tiết phạm tội nhiều lần, hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo 6 tháng tù giam, tiếp tục bồi thường cho người bị hại hơn 7 triệu đồng.

Khi được nói lời nói sau cùng, bị cáo không nói gì về mình mà chỉ xin phép hội đồng xét xử được gặp hai con. Cả ba mẹ con ôm nhau khóc, chẳng ai nói được câu nào. đến khi bị dẫn giải ra xe về trại giam, bị cáo chỉ nói được một câu trong tiếng nấc: “ Con... ráng lo... cho em”. Tội nghiệp đứa nhỏ cứ níu áo chị hỏi hoài một câu: “Chừng nào mẹ về, chị Hai?”, nhưng chị nó làm sao trả lời được khi nước mắt cứ chảy như mưa trên gương mặt già trước tuổi.Nguyễn Minh Sơn

(kiểm sát viên Viện KSND tỉnh Kiên Giang)

Theo TÂN PHONG (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm