Tòa xử xong, nguyên đơn mới tới

Ngày 25-8, TAND TP.HCM mở lại phiên xử phúc thẩm vụ Công ty Kinh doanh ô tô Đ. yêu cầu một công ty cùng lĩnh vực phải công khai xin lỗi và bồi thường do đăng tải thông tin trên diễn đàn mạng xã hội không đúng sự thật. HĐXX quyết định đình chỉ vụ án do nguyên đơn kháng cáo nhưng triệu tập hai lần đều không có mặt và tại tòa bị đơn cũng rút kháng cáo. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay tức thì. Tuy nhiên, sau đó nguyên đơn xuất hiện...

Trích dẫn phải nguyên văn, không bình luận

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, nguyên đơn cho rằng bị đơn đã liên tục đăng tải các thông tin sai sự thật, vu khống, nói xấu, gièm pha, xúi giục khách hàng không mua xe tại công ty bên nguyên đơn. Cạnh đó, bị đơn còn nói xấu về chất lượng và dịch vụ kinh doanh ô tô của nguyên đơn, làm ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, uy tín của công ty khiến doanh thu bị giảm sút nghiêm trọng. Nguyên đơn yêu cầu tòa buộc công ty bị đơn phải chấm dứt mọi hành vi vi phạm, gỡ bỏ toàn bộ thông tin sai sự thật trên trang mạng do công ty này quản lý, công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại 10 triệu đồng.

Phía bị đơn bảo thông tin mà bị đơn đăng tải trên trang mạng xuất phát từ nguồn của báo chí và dựa trên khiếu nại của người tiêu dùng. Công ty hoàn toàn không tự bịa đặt ra để vu khống, nói xấu, gièm pha, xúi giục khách hàng không mua xe của nguyên đơn. Bị đơn tố lại rằng phía nguyên đơn kinh doanh không đáng tin cậy, quảng cáo lừa dối để khách hàng lầm tưởng mình là đại lý chính hãng, là đối tác tin cậy với dịch vụ mua bán nhanh gọn... Phía bị đơn không chấp nhận công khai xin lỗi cũng như bồi thường...

Xử sơ thẩm tháng 12-2012, TAND quận Phú Nhuận nhận định việc trích dẫn lại thông tin từ báo chí, truyền hình... phải để nguyên văn, chính xác từ nguồn tin chính thức, không bình luận. Công ty bị đơn đã không thực hiện đúng quy định nên yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn gỡ bỏ các bài nói nguyên đơn lừa đảo được tòa chấp nhận.

Về yêu cầu xin lỗi và đòi bồi thường, HĐXX nhận định thực tế, cơ quan chức năng đã có công văn cho rằng công ty nguyên đơn có dấu hiệu vi phạm về quản lý kinh tế, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến công an xem xét xử lý. Những thông tin này không phải do công ty bị đơn tự bịa đặt nên không có căn cứ để chấp nhận.

Đến trễ thì... ráng chịu

Phiên tòa phúc thẩm được tòa triệu tập các bên đương sự vào lúc 8 giờ sáng 25-8. Sau khi chờ đến hơn 9 giờ vẫn không thấy nguyên đơn xuất hiện, HĐXX mở phiên tòa rồi ra quyết định đình chỉ như trên. Quyết định có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tòa công bố.

Tuy nhiên, sau khi tòa công bố quyết định khoảng 10 giờ thì bên nguyên đơn đến tòa. Phía nguyên đơn cho rằng tại sao họ có đến mà tòa đã vội tuyên ngay theo thủ tục vắng mặt nguyên đơn. Sau đó, họ đòi khiếu nại...

Trao đổi với phóng viên, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho biết giấy triệu tập ghi rõ ngày giờ mở phiên tòa, các bên đương sự phải chấp hành đúng để đảm bảo quyền lợi cho mình. Trong trường hợp này, phía nguyên đơn không chấp hành theo giấy triệu tập nên theo luật, quyết định của tòa là không sai và đã có hiệu lực pháp luật.

Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) phân tích trong trường hợp này phải khẳng định là cấp phúc thẩm không có lỗi bởi hai lẽ. Thứ nhất, tòa đã kiên nhẫn chờ nguyên đơn một khoảng thời gian hợp lý mới tiến hành mở phiên tòa, không thể chờ đợi vô thời hạn. Thứ hai, quyết định của cấp phúc thẩm đã tuyên không thể rút lại, thay đổi theo quy định của tố tụng. Trong trường hợp này, nếu nguyên đơn đến trễ vì lý do khách quan, bất khả kháng... có chứng cứ chứng minh thì có thể làm đơn yêu cầu cấp giám đốc thẩm xem xét, hủy quyết định trên để giải quyết lại vụ án, bảo đảm quyền lợi của mình. Và đây là quy trình đúng theo tố tụng quy định. Tuy nhiên, dù có hủy quyết định xử lại thì cũng không có lỗi của HĐXX.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm