Trả hồ sơ vụ nguyên đại úy CSGT bắn chết sếp

Ngày 26-8, TAND tỉnh Đồng Nai đã xử sơ thẩm vụ nổ súng gây chết người xảy ra tại Trạm kiểm soát giao thông Suối Tre. Bị cáo Ngô Văn Vinh (nguyên đại úy, cán bộ Trạm kiểm soát giao thông Suối Tre - Phòng CSGT đường bộ và đường sắt - Công an tỉnh Đồng Nai) bị VKS tỉnh này truy tố về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo khoản 1 Điều 95 BLHS. Nạn nhân trong vụ án là Thiếu tá Trần Ngọc Sơn (Trạm phó Trạm kiểm soát giao thông Suối Tre).

Các lời khai mâu thuẫn

Ngay từ sớm, phiên tòa đã thu hút rất đông người dân đến xem. Khoảng 30 phóng viên của nhiều cơ quan báo chí đến tham dự.

Trả lời xét hỏi của tòa, các lời khai của bị cáo, các nhân chứng, nguyên đơn dân sự, đại diện gia đình người bị hại có những mâu thuẫn về sự việc xảy ra tại quán karaoke cũng như tại Trạm kiểm soát giao thông Suối Tre sau đó.

Nhiều nhân chứng trình bày tại quán karaoke, bị cáo Vinh với ông Chí có lời nói qua lại, sau đó ông Chí hất tay nhưng “không thấy trúng mặt của bị cáo Vinh”. Ngược lại, một nhân chứng khẳng định thấy rõ ông Chí dùng tay cầm ly bia đánh ngang trúng ngay mặt Vinh làm bị cáo chảy máu và trầy một đường.

Đến khi trình bày vụ xô xát tại Trạm kiểm soát giao thông Suối Tre, bị cáo, các nhân chứng cũng thường xuyên khai mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với lời khai của chính mình trước đó, đến mức đại diện VKS và HĐXX phải nhiều lần công bố bản lời khai của họ tại cơ quan điều tra (CQĐT).

Bị cáo Vinh tại phiên xử. Ảnh: H.TÚ

Luật sư của gia đình nạn nhân cho rằng có chuyện các bên khai mâu thuẫn tại tòa là do trong quá trình điều tra, dù lời khai của các bên không thống nhất nhưng CQĐT không làm rõ, không cho đối chất. Cũng theo luật sư này, việc CQĐT ra quyết định trả lại khẩu súng tang vật cho Phòng CSGT đường bộ và đường sắt - Công an tỉnh Đồng Nai là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Khẩu súng gây án hiện không còn, trong khi các số hiệu của khẩu súng tại nhiều bút lục không trùng khớp với nhau. Khẩu súng là vật chứng quan trọng trong vụ án phải được đưa ra xem xét tại phiên tòa. CQĐT không có thẩm quyền ra quyết định trả lại vật chứng quan trọng này mà thẩm quyền quyết định là của HĐXX.

Đối đáp, đại diện VKS nói khẩu súng, vỏ đạn, đầu đạn được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật. Do khẩu súng là vũ khí cần được giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng đảm bảo an toàn nên CQĐT sau khi chứng minh đó là khẩu súng do chính bị cáo sử dụng đã ra quyết định giao trả lại cho Phòng CSGT là cần thiết. Việc các bút lục ghi chưa chính xác số hiệu của khẩu súng là lỗi kỹ thuật, không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết án.

Bị cáo có bị kích động mạnh?

Điểm mấu chốt của vụ án là bị cáo Vinh có ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh khi gây án hay không.

Bảo vệ quan điểm truy tố bị cáo về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, đại diện VKS cho rằng xuất phát từ mâu thuẫn do lời ăn tiếng nói qua lại trong lúc ăn nhậu đã dẫn đến việc bị cáo sử dụng súng gây ra cái chết cho Thiếu tá Sơn và gây thương tích cho Thượng úy Đoàn Thanh Phú. Dù hành vi của bị cáo nguy hiểm nhưng một phần nguyên nhân xảy ra sự việc là lỗi của người bị hại khi đã đánh bị cáo gây thương tích.

Luật sư của Vinh cũng đồng thuận với VKS về tội danh và khung hình phạt truy tố. Luật sư cho rằng xuất phát hành vi của bị cáo có một phần lỗi của Thiếu tá Sơn bởi Thiếu tá Sơn đã gây thương tích cho bị cáo trước. Vinh bị chấn thương sọ não, thương tật đến 40% là không nhẹ. Thương tật của Vinh chính là chứng cứ chứng minh cho hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân.

Không đồng tình, luật sư của gia đình nạn nhân lại cho rằng phải xử lý bị cáo về tội giết người theo Điều 93 BLHS mới đúng. Luật sư dẫn chứng tình tiết sau khi về trạm, Vinh đã cầm súng đi tìm Thiếu tá Sơn, gọi điện thoại kiếm nơi Thiếu tá Sơn đang ngồi nhậu. Nói Thiếu tá Sơn có lỗi trước là không đúng bởi tại quán karaoke, chính bị cáo đánh Thiếu tá Sơn trước chứ Thiếu tá Sơn không hề làm gì có lỗi với bị cáo. Thiếu tá Sơn bị hai vết đạn, một phát ngay hông, một phát có hướng từ sau lưng chứng tỏ phát đầu tiên nạn nhân đã gục trên người bị cáo nên bị cáo vòng tay ra sau nạn nhân bắn thêm phát nữa. Đây là tình tiết chứng minh bị cáo cố giết nạn nhân cho bằng được.

Từ đó, luật sư của gia đình nạn nhân đã đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ để điều tra lại theo hướng bị cáo phạm tội giết người. Ngoài ra, luật sư còn đề nghị cần xem xét thêm đối với Vinh về hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Tranh luận, đại diện VKS cho rằng việc CQĐT, VKS áp dụng Điều 95 BLHS là đã xét bối cảnh xuyên suốt quá trình xảy ra vụ án, hành vi, thái độ của cả bị cáo lẫn nạn nhân. Ban đầu tại quán karaoke, chính bạn của Thiếu tá Sơn (nhân chứng Chí) đã đánh bị cáo trong khi Thiếu tá Sơn với bị cáo là đồng nghiệp. Thương tật của bị cáo là 11%, bị đánh ngay nơi đông người, đồng nghiệp cùng cơ quan có, người qua lại có, gây ra sự kích động đối với bị cáo. Sau khi về đến Trạm kiểm soát giao thông Suối Tre, dù đã được can ngăn hai lần nhưng Thiếu tá Sơn vẫn lên phòng bị cáo, thách thức và đánh bị cáo đến mức chấn thương sọ não, gây tỉ lệ thương tật 40%. Hành vi gây thương tích của Thiếu tá Sơn là trái pháp luật, gây kích động mạnh đến bị cáo. Do vậy, xét tổng thể, tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh áp dụng đối với bị cáo là đúng pháp luật, tương xứng với hành vi. Về việc luật sư đề nghị xem xét thêm đối với Vinh về hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, đại diện VKS không đồng tình vì cho rằng bị cáo là người được Nhà nước cho phép sử dụng, quản lý vũ khí quân dụng.

Sau khi nghị án, HĐXX kết luận qua diễn biến tại tòa và các chứng cứ khác thì có căn cứ để xem xét xử lý bị cáo về hành vi giết người nên quyết định trả hồ sơ để điều tra lại theo hướng trên.

HỒNG TÚ

Tóm tắt vụ án

Theo hồ sơ, chiều 22-9-2013, Thiếu tá Sơn rủ ba người bạn đi nhậu rồi kéo qua một quán khác hát karaoke. Lúc này, Vinh cùng bạn đang hát karaoke ở phòng kế bên. Khi Vinh qua phòng Thiếu tá Sơn chào thì nảy sinh cự cãi với ông Chí, bạn Thiếu tá Sơn. Ông Chí dùng ly bia đánh vào mũi Vinh làm chảy máu và được mọi người can ngăn. Vinh trách Thiếu tá Sơn vì sao đồng đội mà không bênh nhau, lại đi bênh người ngoài. Thiếu tá Sơn nói Vinh sai, bị ông Chí đánh là đúng. Tức giận, Vinh đánh một cái trúng cổ Thiếu tá Sơn và được mọi người can ngăn.

Về tới Trạm kiểm soát giao thông Suối Tre, Vinh lấy khẩu súng K59 bỏ vào túi rồi qua phòng tìm Thiếu tá Sơn nhưng không có. Thấy thái độ của Vinh, một người trong cơ quan đã nhắn tin cho Thiếu tá Sơn biết và khuyên đừng về cơ quan. Tuy nhiên, đến 17 giờ cùng ngày, Thiếu tá Sơn vẫn về cơ quan và lên phòng gặp Vinh. Tại đây, Thiếu tá Sơn nói: “Vinh “đen”, mày kiếm tao, mày ngon mày bắn tao đi!”, đồng thời đánh vào mặt, đầu Vinh ba cái. Vinh chụp cây súng đang để ở đầu giường nhưng mọi người can ngăn. Trong lúc giằng co, súng nổ tổng cộng tám phát, trong đó có hai phát trúng Thiếu tá Sơn, một phát trúng Thượng úy Phú. Sau khi súng hết đạn, mọi người mới đưa được những người bị bắn đi cấp cứu. Do vết thương quá nặng, tối cùng ngày, Thiếu tá Sơn đã qua đời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm