Tự vệ hay cố ý gây thương tích?

“Em chỉ tự vệ khi bị hai vợ chồng họ tấn công” - chị Nguyễn Ngọc Nương (xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai, Bạc Liêu) bắt đầu câu chuyện của mình trong vẻ mệt mỏi vì đang mang thai sắp đến ngày sinh. Nương bị VKSND huyện Giá Rai truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 BLHS (có khung hình phạt từ hai đến bảy năm tù). Vụ án đã kéo dài hơn một năm với hai lần tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung và một lần VKS tự rút hồ sơ bổ sung.

“Bị rượt đánh”

Nương kể chiều 22-3-2012, hai vợ chồng Đặng Thanh Hoàng đi thẳng sang nhà Nương kiếm chuyện với cha Nương nhưng được mấy người tài xế ngồi đó kéo ra. Cùng lúc ấy, mẹ và em gái Nương cũng chạy ra can thì liền bị vợ chồng Hoàng nhào tới đánh. Nương thấy vậy cũng ra can liền bị Hoàng rượt đánh. “Em bỏ chạy, phía sau anh Hoàng vẫn rượt. Tới vách tường nhà thì hết đường. Thoáng thấy thanh nhôm em liền chụp lấy quơ đại ra sau. Lúc này mọi người kịp xúm vào can ngăn…” - Nương kể.

Chuyện tưởng vậy đã xong nhưng đến ngày 21-5-2012 thì Nương bị khởi tố, sau đấy hai tháng thì Nương bị bắt giam (ba tháng) để điều tra.

“Lúc đó quýnh quá em cũng không biết có quơ trúng hay không, chỉ biết sau đó ra xã lập biên bản thì thấy anh ta (chỉ Hoàng) có dán miếng băng cá nhân trên má...” - Nương nói.

Tự vệ hay cố ý gây thương tích? ảnh 1

Nguyễn Ngọc Nương khẳng định mình chỉ phòng vệ. Ảnh: N.NAM

Kết luận giám định trong ngày?

Theo cáo trạng, sau khi mẹ và em Nương đánh vợ Hoàng, Nương từ trong nhà chạy ra cũng đánh và cào mặt vợ Hoàng gây thương tích. Tiếp đó, Nương vào nhà lấy một khúc ống nhôm chạy ra đánh nhiều cái vào người hai vợ chồng Hoàng, gây thương tích.

Theo đó, Hoàng bị “vết thương ở má trái, bờ vết thương nham nhở, ảnh hưởng thẩm mỹ”, thương tích 12%. Thương tích của vợ Hoàng là 14%, gồm: “vết trầy da rải rác ở má phải, ảnh hưởng thẩm mỹ, tỉ lệ 11%”; “vết bầm máu ở sau trên cánh tay trái, vết trầy da ở sau cánh tay trái, vết bầm ở vùng lưng trái, tỉ lệ 3%”.

Bản kết luận giám định pháp y xác định vật gây thương tích cho vợ Hoàng là do vật tầy và VKS cũng xác định vết trầy ở mặt của vợ Hoàng là do Nương dùng móng tay cào gây ra.

Điều lạ là cả ba văn bản gồm giấy ra viện, quyết định trưng cầu giám định pháp y và bản kết luận giám định pháp y đều được ký trong cùng một ngày 27-3-2012.

Hiện trường sai lệch?

Cả hai lần tòa trả hồ sơ yêu cầu VKS điều tra bổ sung vụ án nhưng VKS đều giữ nguyên quan điểm, không điều tra bổ sung. Tuy nhiên, sau đó VKS đã xin rút hồ sơ để bổ sung thêm nhân chứng của vụ án.

Nương cho rằng hiện trường vụ án bị dịch chuyển từ sân phía cuối nhà ra ngoài bảng hiệu vá vỏ xe của gia đình (nằm sát mép quốc lộ 1A, không thuộc đất nhà bị cáo). Cáo trạng thì không nói rõ hiện trường vụ án ở đâu, chỉ xác định là phía bị hại sang nhà Nương cự cãi với cha Nương, còn mẹ, em gái và Nương từ trong nhà xông ra đánh hai vợ chồng bị hại.

Ông Đặng Ngọc Tài (Đội trưởng Đội dân phòng ấp 3, xã Phong Thạnh Đông A) cho biết ngay khi sự việc xảy ra, ông là một trong những người có chức trách của ấp có mặt tại hiện trường sớm nhất. Theo đó, hiện trường vụ án xảy ra ngay sân phía sau nhà của Nương. “Ngày 23-3-2012, chính tôi là người giúp công an đo đạc hiện trường vụ án tại sân này. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà ngày 19-6-2012, cả công an và VKS lại kéo nhau ra gần lộ đo hiện trường, cách hiện trường cũ khoảng 30 m. Tôi có hỏi họ vì sao lại đo hiện trường không chính xác như vậy nhưng không ai trả lời. Khi ra tòa, không thấy ai nói tới hồ sơ đo hiện trường ngày 23-3 có mặt tôi cả” - ông Tài cho hay.

***

Trả lời nguyên nhân kéo dài vụ án, ông Nguyễn Văn Tài, Chánh án TAND huyện Giá Rai, cho biết tòa từng đưa vụ án ra xét xử nhưng xét chưa đủ chứng cứ nên hoãn để bổ sung. Tuy nhiên, cả hai lần trả hồ sơ, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm không điều tra bổ sung. Đến ngày 28-6, VKS tự rút hồ sơ để bổ sung và mới đây, ngày 17-7, VKS đã chuyển hồ sơ truy tố tiếp. “Sắp tới, tòa sẽ mở phiên xử. Vụ án không phải là lớn nhưng nó phức tạp nên kéo dài thời gian” - ông Tài nói.

“Hai hiện trường”

Sự việc xảy ra ban đầu tưởng không có gì, hai bên cũng chỉ quơ qua thôi. Sau đó bên bị hại yêu cầu giám định thương tật, kết quả 14% mới yêu cầu khởi tố. Khi đó, cơ quan điều tra mới báo cáo VKS dựng lại hiện trường. Tôi không nhớ rõ thời gian nhưng có hai lần dựng lại hiện trường, một lần theo lời trình bày của bị cáo, một lần theo lời của bị hại. Hiện trường dựng lại theo lời kể hai bên nên phải kết hợp lời khai nhân chứng để nhận xét thêm. Trước đây, vụ án này do phó viện trưởng chỉ đạo trực tiếp nhưng người đó đã về tỉnh. Khi tiếp nhận vụ án, tôi thấy cần làm thêm nên đã cho bổ sung các nhân chứng để đảm bảo tính khách quan.

Ông PHAN TRƯỜNG GIANG, Viện trưởng VKSND huyện Giá Rai

Xem xét khả năng phòng vệ chính đáng

Theo tôi, ngoài việc đánh giá thương tích của bị hại xảy ra trong hoàn cảnh nào thì còn phải làm rõ thêm địa điểm xảy ra vụ án. Nếu đúng như bị cáo trình bày là bị hại sang nhà bị cáo xô xát, đánh người trong gia đình bị cáo và đã được can ra nhưng vẫn tiếp tục truy đuổi, đánh bị cáo thì việc bị cáo dùng cây nhôm chống cự lại là phòng vệ chính đáng, không phạm tội cố ý gây thương tích.

Luật sư TRỊNH THANH,
Văn phòng Luật sư Người Nghèo, TP.HCM

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm