Từ vụ Vedan: Sửa luật để phù hợp với cuộc sống?

Theo thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, khi ra đời, Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành chưa tiên liệu được hết những tình huống phát triển phức tạp của xã hội mà Vedan là một vụ điển hình. Điều này không có gì khó hiểu vì hệ thống pháp luật vốn phải liên tục hoàn thiện.

Kiến nghị sửa luật

Thẩm phán Hùng cho rằng trong tương lai, chúng ta phải sửa luật theo hướng cho phép kiện tập thể đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Nhưng hiện tại, chúng ta vẫn phải chấp nhận thực tế, chấp nhận bộ luật hiện hành dù nó chưa hoàn chỉnh lắm. Có nghĩa là dù biết thụ lý đơn kiện của hàng chục ngàn hộ dân thì chắc chắn sẽ quá tải nhưng ngành tòa án vẫn phải thụ lý riêng từng vụ chứ không thể gộp lại giải quyết chung.

Thẩm phán Hùng cũng lưu ý một mặt chúng ta kiến nghị các nhà làm luật sửa đổi luật nhưng mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền vẫn phải hướng dẫn người dân khởi kiện Vedan bởi nếu hết thời hiệu thì người dân sẽ mất quyền lợi.

Thẩm phán Hoàng Văn Hải, Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh, cũng đồng ý rằng với vi phạm làm ảnh hưởng đến số đông như vụ Vedan, dù rằng thiệt hại của người dân tương tự nhau nhưng luật chưa cho phép thì chúng ta không thể khởi kiện tập thể được. Theo thẩm phán Hải, trong thực tiễn xét xử, có những vụ như nhiều người dân kiện đòi tiền một con nợ thì chỉ khác nhau về số tiền còn tính chất vụ việc như nhau. Nếu dân được ủy quyền cho một người kiện đòi nợ thì quá trình giải quyết nhanh hơn rất nhiều và tòa cũng “khỏe” hơn nhiều.

Từ vụ Vedan: Sửa luật để phù hợp với cuộc sống? ảnh 1

Luật sư Lương Khải Ân, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng nhận xét là trong trường hợp nhiều người bị thiệt hại tương tự nhau do cùng một chủ thể gây ra thì việc khởi kiện tập thể là cần thiết. Ai cũng thấy một thực tế là nếu các hộ nông dân trong vụ Vedan mà kiện đơn lẻ, làm sao tòa giải quyết xuể? Sau này còn nhiều vụ khác, nếu buộc phải kiện đơn lẻ cùng với quá trình tố tụng rắc rối, có thể nhiều người dân sẽ từ bỏ quyền lợi của mình...

Hay chỉ cần hướng dẫn?

Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Luật sư Việt Nam, lại nhìn nhận có thể áp dụng chế định kiện tập thể trong vụ Vedan nếu TAND Tối cao ra một hướng dẫn riêng. Theo luật sư Tám, hướng dẫn này sẽ không vi phạm pháp luật vì nó làm rõ đường lối trong một vụ việc cụ thể có tính phức tạp và nó có lợi nhất cho người dân. Về lâu dài chúng ta phải sửa luật theo hướng này vì xã hội càng phát triển thì các hành vi vi phạm môi trường gây ảnh hưởng đến nhiều người ngày càng nhiều, không luật hóa sẽ rất khó xử lý.

Trong vụ Vedan, luật sư Tám phân tích có các bị đơn chung, tòa chung, nhân chứng chung và kết quả giám định thiệt hại chung nên chuyện gộp các đơn kiện lại là việc dễ dàng. Hơn nữa, các nguyên đơn có mối quan hệ pháp luật tương tự nhau, cùng sống tại một địa bàn cũng là một điều kiện thuận lợi cho tòa án địa phương đó giải quyết nhanh chóng vụ việc. Chỉ có một điểm khác trong vụ việc này là mức độ thiệt hại của từng hộ dân khác nhau nhưng qua các thống kê cụ thể thì yêu cầu bồi thường cũng sẽ dễ thực hiện.

Đồng tình, thẩm phán Trần Đình Thu, Phó Chánh án TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM), cũng cho rằng nên áp dụng ngay chế định kiện tập thể luật dân sự, hành chính cũng như các tranh chấp về kinh tế. Thẩm phán Thu nói đã từng đề xuất vấn đề khởi kiện tập thể tại một cuộc hội thảo về đầu tư chứng khoán. Khi có vấn đề tranh chấp thì những người bị thiệt hại nên ủy quyền cho một người, một tổ chức thay mặt tập thể đứng ra kiện...

Tách thành những nhóm nhỏ?

Theo luật sư Trương Xuân Tám, trong vụ Vedan, bà con nên tách ra thành những nhóm nhỏ để kiện là thuận lợi nhất. Chẳng hạn các hộ nông dân cùng xã gộp thành một nhóm, các hộ thiệt hại do việc nuôi tôm cá thành một nhóm, các hộ thiệt hại về đánh bắt trên sông Thị Vải thành một nhóm… Các nhóm này họp lại, tập hợp yêu cầu rồi ủy quyền cho một cá nhân, tổ chức thay mặt cả nhóm gửi đơn đến tòa. Làm như vậy vừa tránh trường hợp quá tải cho người đại diện vừa giảm áp lực cho tòa. Vì nếu một người mà đại diện cho hàng chục ngàn người thì cũng kẹt mà một tòa tiếp nhận một lúc hàng chục ngàn đơn kiện cũng không xong.

Luật sư Cao Minh Triết, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang, cho rằng chỉ nên giới hạn nhóm trong phạm vi một tỉnh, xé nhỏ quá lại gây phức tạp. Người dân một tỉnh có thể ủy quyền khởi kiện cho một văn phòng luật sư, Hội Nông dân hay một cá nhân nào đó am hiểu pháp luật…

Trên đây chỉ là đề xuất của hai luật sư nhằm tìm ra một giải pháp phù hợp, vừa mang lại lợi ích cho phía người bị xâm hại, vừa để giảm áp lực cho cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, có thể ngành tòa án sẽ không chấp nhận việc khởi kiện theo nhóm vì pháp luật dân sự ở ta chưa hề có quy định nào về chế định kiện tập thể và dĩ nhiên, ngành tòa án sẽ không thể làm khác luật.

---------------------------------------------------------------------------

Pháp luật các nước

Cơ chế kiện tập thể trên thế giới có hai hình mẫu. Thứ nhất là “opt in model”, tức người bị thiệt hại phải tham gia vào việc kiện đòi bồi thường. Tòa án sẽ ra một phán quyết rõ ràng là ai được bồi thường và mức bồi thường là bao nhiêu. Thứ hai là “opt out model”, tức phán quyết của tòa ràng buộc tất cả người tiêu dùng có liên quan, ai chưa muốn kiện cũng vẫn được bồi thường nếu sau này họ có yêu cầu. Tòa sẽ đưa ra các tiêu chí để xác định người tiêu dùng được bồi thường.

Trong hai hình mẫu này, “opt out model” được đánh giá là có hiệu quả và tiết kiệm hơn “opt in model”.

Kiện tập thể có nguồn gốc xuất xứ từ Hoa Kỳ theo hình mẫu “opt out”. Tiền bồi thường thiệt hại theo luật Mỹ không chỉ đơn thuần nhằm để khắc phục thiệt hại mà mang tính hình phạt nên số tiền này thường rất lớn. Chính vì thế, các nhà sản xuất ở Hoa Kỳ rất sợ việc bồi thường thiệt hại theo pháp luật trách nhiệm sản phẩm ở Hoa Kỳ nên họ luôn mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm.

Theo đánh giá, cơ chế kiện tập thể ở Hoa Kỳ không tiến bộ bằng Canada. Canada cũng áp dụng hình mẫu “opt out” nhưng phán quyết của tòa chỉ tự động ràng buộc những người tiêu dùng có liên quan trong phạm vi một tỉnh.

Một số nước trong Liên minh châu Âu cũng cho phép các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng thay mặt người tiêu dùng để kiện. Một số quốc gia chuộng hình mẫu “opt in model”. Trong khi đó, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha lại theo “opt out model”. Chính phủ Anh thì còn đang cân nhắc kiến nghị áp dụng “opt out model”…

Ngày nay với sự phát triển của xã hội, việc sản xuất sản phẩm hàng loạt sẽ kéo theo nhiều vấn đề về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng trên diện rộng, đến nhiều người. Thủ tục tố tụng khiếu kiện tập thể là một thủ tục tiên tiến, sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người bị thiệt hại như tiết kiệm thời gian, tiền bạc, đem lại sự công bằng, nhất quán trong các phán quyết của tòa.

Thạc sĩ PHẠM THỊ PHƯƠNG ANH, giảng viên Đại học Luật TP.HCM 

THANH TÙNG - HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm