Tuột quần trẻ con

Vợ chồng ông NXH và ông Lê Văn Sớm là bà con cùng quê ở Vĩnh Phúc, cùng vào quận 12, TP.HCM lập nghiệp. Vai vế trong họ thì ông Sớm là cậu,chú họ của vợ chồng ông H. Trước đây, họ vốn thân thiết nhau nhưng chỉ vì một lời nói của con trẻ mà tình nghĩa họ hàng, xóm giềng của họ tan vỡ, người đối mặt với chế tài hình sự, người bị thương tích.

Ông Lê Văn Sớm đang bệnh, vừa truyền nước biển xong. (Ảnh chụp tại nhà ông sáng 23-7) Ảnh: PL 

Từ lời nói vu vơ của con trẻ

Có mấy lần vợ chồng ông H. bận việc nên nhờ ông Sớm trông giữ đứa con trai mình, sinh năm 2006. Hai ông cháu hay chơi đùa, chọc ghẹo nhau và không ít lần ông Sớm chơi trò tuột quần thằng bé.

Tối 21-9-2013, ông H. cùng vợ chuẩn bị đi chơi thì thằng bé bèn buột miệng “cảnh báo” mẹ: “Mẹ đừng sang nhà ông Sớm, ông ta sẽ tuột quần mẹ!”. Nghe lạ, vợ ông H. hỏi con: “Sao mày lại nói thế?”. Ông H. thì không hỏi nhưng trong lòng lóe lên một sự hoài nghi.

Sau đó, trên đường về, ông H. gặng hỏi vợ: “Sao thằng B. (tên đứa con trai - PV) lại nói thế? Làm gì không cẩn thận, để nó nhìn thấy hết chớ gì!”. Vợ ông không trả lời. Tối về, hai vợ chồng không ai nói gì nhưng cả đêm mất ngủ. Ngày hôm sau, ông H. đi làm bình thường nhưng tối về ông lại chong đèn trằn trọc.

Hôm sau, đón con ở trường về, ông H. đưa con vào quán cà phê, mở điện thoại ghi âm và… hỏi chuyện. Thằng bé trả lời: “Hôm đó con đang xem phim hoạt hình, con chán quá nên con giờ o mớ”. Cha: “Giờ o mớ là thế nào?”. Con: “Bố tự hiểu đi!”. Cha: “Thế việc xảy ra vào ngày nào?”. Con: “Lâu rồi, con không nhớ ngày, con chỉ nhớ chuyện thôi”…

Đến chuyện gây thương tích

Thấy tình hình gia đình căng thẳng từ lời con nít nên tối 23-9-2013, vợ ông H. gọi vợ chồng ông Sớm sang để giãi bày. Ông Sớm đến, ngồi phía ngoài cửa nhà nói: “Tao là cha, là bác chúng mày, sao chúng mày lại nói thế?”. Ông H. bảo: “Đây là do thằng B. nhà cháu nó nói ra. Từ trước tới giờ không có chuyện gì. Từ giờ về sau cũng không có chuyện gì cả. Ông bà đi về đi!”.

Rồi ông Sớm bắt ông H. phải xin lỗi, ông H. bảo mình chưa xúc phạm gì sao phải xin lỗi. Hai bên lời qua tiếng lại, mối bất hòa càng khó gỡ…

Tối hôm sau, ông Sớm sang nhà ông H. rủ đi cà phê để hai bên nói chuyện trắng đen rõ ràng. Ông H. từ chối và bảo ông Sớm về nhà đi.

Trong khi hai bên đang lời qua tiếng lại thì bất ngờ ông Sớm gạt ấm trà bằng sứ (đang để trên bàn máy may ngăn cách hai người) về phía ông H. Vậy là ông H. bị rách da vùng trán mắt trái, ảnh hưởng thẩm mỹ, tỉ lệ thương tật 10%. Ông Sớm bỏ xe máy lại rồi về nhà. Ông H. thì đi bệnh viện, sau đó đến phường trình báo và… yêu cầu xử lý.

Thực ra mọi chuyện đã có thể kết thúc khá êm thấm nếu cả hai bên chịu nhường nhau mỗi người một tí. Đó là vào ngày 1-10-2013, khi hai bên cùng nhiều người họ hàng nội ngoại ngồi lại với nhau để hóa giải mâu thuẫn. Tuy nhiên, sự việc lại không như vậy.

Và đối diện với tội, tù

Hôm đó, ông H. yêu cầu ông Sớm viết văn bản xin lỗi, bồi thường tiền thuốc men, theo dõi vết thương trong vòng ba tháng và thống nhất hai bên không thù oán gì về sau. Tuy nhiên, ông Sớm nói chính ông H. mới là người phải xin lỗi vì con ông H. nói linh tinh mà liên quan đến ông Sớm.

Vợ ông H. cũng yêu cầu chồng phải… xin lỗi mình. Ông H. nói muốn ông xin lỗi thì ông Sớm phải viết cam kết “từ trước tới giờ không có chuyện gì mờ ám, hoàn toàn trong sáng với bà K. - vợ ông H.”. Ông Sớm không đồng ý vì cho rằng “không việc gì phải làm cam kết”.

Hai bên không ai chịu ai. Ông Sớm ra về. Hòa giải bất thành. Ông H. không rút đơn yêu cầu khởi tố.

Thế là tháng 1-2014, ông Sớm bị khởi tố tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 104 BLHS (thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm và gây cố tật nhẹ cho nạn nhân). Ngày 17-7, TAND quận 12 đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, tòa đã phải hoãn do tối trước đó, ông Sớm phải nhập viện cấp cứu. Dự kiến ngày 7-8 tới đây tòa sẽ mở lại phiên xử.

 

Đánh kẻ chạy đi…

Gặp chúng tôi sáng 23-7, ông Sớm cho biết: “Vợ chồng H. đều là cháu họ của tôi, tôi là cậu của H. và là chú của vợ H. Vì nghe lời con nít mà H. ghen tuông vô cớ chứ tôi không làm gì trái đạo. Tôi đến nhà rủ H. đi cà phê nói chuyện phải trái thì bị đuổi về. Giọt nước tràn ly nên tôi nhất thời không làm chủ được hành vi, gây nên thương tích cho cháu tôi. Từ đó đến nay, tôi luôn tự trách mình…”.

Ông Sớm tâm sự ông và H. cùng rời quê vào Sài Gòn để mưu sinh, H. làm nghề may, ông trước bán bánh giò, sau chuyển qua bán rau dạo, kiếm miếng ăn qua ngày. “Cuộc sống khó khăn, phải ráng tằn tiện trụ lại đất khách quê người cho con ăn học đàng hoàng như người ta. Chiếc xe tôi đi cũng là mua lại của H. Chỉ mong pháp luật nương tay cho tôi hưởng lượng khoan hồng để tiếp tục đi bán rau kiếm tiền bồi thường” - ông Sớm nói.

Gặp ông H. tại nhà ông, chúng tôi hỏi: “Theo Điều 105 BLTTHS, những vụ án về tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án sẽ được đình chỉ. Vậy giờ ông Sớm xin lỗi và bồi thường cho ông vì lỡ gây thương tích, ông có bãi nại không?”. Ông H. nói: “Tình cảm họ hàng giờ chẳng còn gì nữa. Nếu sau khi gây thương tích cho tôi, ông Sớm xin lỗi ngay thì khác. Tất cả giờ đã muộn rồi”.

Rõ ràng ông Sớm từng có cơ hội để không phải ra trước vành móng ngựa đối diện với án tù. Nhưng ông đã một lần để mất cơ hội đó. Giờ đây, dù ông H. đang căng, ông Sớm vẫn còn có thể cứu vãn tình hình nếu như ông chịu xuống nước qua năn nỉ, xin lỗi ông H. một tiếng. Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại, có thể ông H. sẽ nghĩ lại mà rút đơn, từ đó tòa xem xét đình chỉ một vụ án hình sự không đáng có.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm