Vụ “rút ruột” tượng đài Điện Biên Phủ: Kêu oan, đổ lỗi cựu phó chủ tịch tỉnh

Sáng 29-3, TAND tỉnh Điện Biên đã xử tám bị cáo “rút ruột” tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Hai bị cáo được thẩm vấn đầu tiên là Lương Phượng Các, nguyên Giám đốc ban quản lý dự án và Lê Văn Viễn, nguyên Phó Giám đốc, đều đồng thanh kêu oan. Đặc biệt, bị cáo Các còn “đá quả bóng trách nhiệm” sang cho cựu phó chủ tịch tỉnh này.

Bán cái dự án

Theo cáo trạng, chỉ một thời gian ngắn sau khi hoàn thành (năm 2004), kè của tượng đài đã bị sụt. Tượng thì hoen rỉ, xuống cấp nghiêm trọng. Sự cố trên là do các bị cáo đã cố ý làm trái các quy định về quy trình báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế, chỉ định thầu...

Đơn cử, khi ký tờ trình đề nghị chỉ định thầu, các bị cáo chỉ dựa vào giới thiệu cùng đơn xin nhận thầu của Công ty Mỹ thuật trung ương mà không kiểm tra năng lực, kinh nghiệm… trong khi nhà thầu không đủ sức làm công trình. Nhận xong, nhà thầu đã bán cái sang cho Công ty Đoàn Kết thi công, đúc đồng. Đơn vị này cũng chưa bao giờ làm dạng công việc đúc tượng nên đã dùng đồng phế liệu đúc tượng, làm thiệt hại cho nhà nước hơn 5,5 tỉ đồng. Đồng bị thiếu hụt so với dự toán ban đầu là 98 tấn, tương đương 50% khối lượng bị “rút ruột”.

Vụ “rút ruột” tượng đài Điện Biên Phủ: Kêu oan, đổ lỗi cựu phó chủ tịch tỉnh ảnh 1

Các bị cáo trước vành móng ngựa.

Dù biết mọi sai trái nhưng ban quản lý dự án đã không ngăn chặn mà còn tiếp tay. Sau khi dựng tượng đài, Các móc ngoặc với đơn vị nghiệm thu ký khống để chiếm đoạt hơn 240 triệu đồng của nhà nước chia nhau hưởng lợi.          

Loanh quanh đổ lỗi, kêu oan

Bị cáo Các bị truy tố ba tội danh là cố ý làm trái, tham ô tài sản, nhận hối lộ. Tuy nhiên, đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Các cho rằng mình không cố tình làm trái. Theo bị cáo Các, việc giám sát chất lượng phần mỹ thuật của tượng đài không thuộc chức năng của ban quản lý dự án mà phải do hội đồng nghệ thuật tỉnh đảm nhiệm. Trong đó, ông Phạm Hoàng Be, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đứng đầu hội đồng này.

Ngoài ra, bị cáo Các còn bảo trách nhiệm là ở bị cáo Viễn vì “mọi việc dự thảo, quy chế, thực hiện về chuyên môn đều do ông Viễn trực tiếp điều hành”.

Bị cáo bị cáo Các lý giải thêm việc ký khống để chia nhau hơn 240 triệu đồng là trường hợp bất khả kháng. Bởi đây là hợp đồng khoán gọn nhưng kho bạc lại yêu cầu phải có tư vấn giám sát nên đành phải lập hồ sơ tư vấn giám sát, hồ sơ nghiệm thu khống.

Bị cáo Các cũng cho rằng mình tin tưởng vào thuộc cấp nên chỉ biết ký nên bị cấp dưới lợi dụng. Đồng thời ông cũng không có trình độ chuyên môn… nên gây ra một số sai sót.

Giống như sếp cũ của mình, bị cáo Viễn bị truy tố về hai tội cố ý làm trái và tham ô tài sản cũng một mực kêu oan. Suốt buổi bị cáo bảo mình không nhớ, không có vai trò gì trong việc ký kết, giám sát phần mỹ thuật tượng đài. Viễn cho rằng nhân viên của mình đã lập hồ sơ khống chứ mình không thực hiện. Viễn chỉ hưởng lợi 10 triệu đồng từ hợp đồng tư vấn giám sát “ma” chứ không phải nhận 15 triệu đồng như cáo trạng quy kết.

Dự kiến ngày hôm nay, phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.

Nguyên phó chủ tịch tỉnh được miễn trách nhiệm hình sự

Về ông Phạm Hoàng Be, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Điện Biên, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo các dự án, cơ quan điều tra cho rằng ông đã có hành vi sai phạm như khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng và các bộ liên quan đã tự ý quyết định phê duyệt chỉ định thầu. Ông đã thiếu trách nhiệm trong việc ký, ban hành các văn bản, quyết định không đúng pháp luật. Tuy nhiên, VKSND Tối cao nhận thấy ông phạm tội với lỗi vô ý, nguyên nhân sai phạm vì động cơ thành tích. Ngoài ra ông có nhân thân tốt, có nhiều cống hiến, đạt nhiều thành tích nên đã đình chỉ điều tra bị can, miễn trách nhiệm hình sự.

THANH TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm