Xét xử nguyên thiếu úy gây thương tích làm chết người

Bị cáo Vi Ngọc Đồng đứng trước vành móng ngựa tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: ĐẮC LAM

Rất đông người thân của bị hại và người dân đến tham dự phiên tòa. Ảnh: ĐẮC LAM 

Theo hồ sơ, khoảng 20 giờ 30 đêm 16-1-2013, Đồng đi xe máy chở vợ đi dự liên hoan cuối năm trở về nhà. 

Trên đường đi, khi đến cổng chào thị xã Thái Hòa thì Đồng thấy hai người đàn ông đi trên một xe máy, có đi loạng choạng. Đồng vượt xe lên hỏi anh “các anh đi xe kiểu chi thế”. Hai người đàn ông này không nói gì và nhường đường cho Đồng chạy đi trước. Đi được khoảng 10m, người đàn ông điều khiển xe máy là anh Nguyễn Văn Ái (trú phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) cho xe vượt lên trước xe Đồng và nói “choa đi kiểu nớ, thích chi mồ”.

Nghe anh Ái nói vậy, Đồng cho xe đi chậm lại, và nói “anh nói rứa là răng”. Anh Ái lao vào đánh Đồng thì Đồng nói “tao là công an đây”. Đồng đánh lại anh Ái, nhưng được mọi người can ngăn nên Đồng và anh Ái không đánh nhau nữa.

Tuy nhiên ngay sau đó, anh Ái và Đồng lại mâu thuẫn, cãi cọ nhau, anh Ái bị Đồng đánh vào mặt. Anh Ái được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do bị thương quá nặng đã tử vong sau đó.

Đồng bị VKSND tỉnh Nghệ An truy tố “Tội cố ý gây thương tích” gây hậu quả chết người, theo khoản 3, Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 (mức án từ 5 năm đến 15 năm tù).

 

Điều 104 (Bộ Luật hình sự). Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

          ĐẮC LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm