Ngày đầu xét tuyển bổ sung: hồ sơ chưa nhiều

Ngày đầu xét tuyển bổ sung: hồ sơ chưa nhiều ảnh 1

 Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng sáng 20-8 tại Trường ĐH Hoa Sen - Ảnh - Như Hùng

Tại TP.HCM, số lượng trường ĐH công lập xét tuyển nguyện vọng bổ sung không nhiều và chỉ tiêu cũng khá khiêm tốn, số lượng ngành xét tuyển khá ít.

Ông Huỳnh Tổ Hạp - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn - cho biết sáng nay lượng thí sinh đến nộp hồ sơ chưa nhiều.

Theo ông Hạp, một phần vì đây mới chỉ là ngày đầu nhận hồ sơ, mặt khác năm nay chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung không cao. Riêng chỉ tiêu bậc CĐ chỉ bằng khoảng 50% so với năm trước.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Sơn - phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết trong sáng 20-8 trường nhận được hơn 100 hồ sơ. Đáng chú ý là lượng hồ sơ tập trung vào bậc CĐ, lượng hồ sơ vào ĐH khá ít.

Tương tự, ông Châu Minh Quý - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing - cho biết mới có 30 hồ sơ nộp vào trường trong sáng 20-8. Theo ông Quý, do chỉ tiêu vào trường ít, điểm sàn xét tuyển cao nên thí sinh vẫn còn cân nhắc.

Hiện nay các trường ĐH công lập xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại TP.HCM gồm có: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chỉ xét tuyển bậc CĐ.

Các trường xét tuyển bậc ĐH hoặc cả ĐH và CĐ gồm: Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Luật TP.HCM và các trường ĐH công lập tự chủ tài chính gồm Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Tài chính - marketing và Trường ĐH Mở TP.HCM.

Ngược lại, các ĐH vùng, trường ĐH công lập đóng tại các địa phương còn khá nhiều chỉ tiêu cho nguyện vọng bổ sung. Có thể kể đến như Trường ĐH Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai, Thủ Dầu Một, Tây Nguyên, Phú Yên, Phạm Văn Đồng, ĐH Tài chính kế toán, ĐH Xây dựng Miền Tây, các trường thành viên ĐH Huế…

Trong khi đó, các trường ĐH ngoài công lập còn chỉ tiêu rất nhiều cho nguyện vọng bổ sung, hầu hết các ngành đều xét tuyển bổ sung nên cơ hội lựa chọn phong phú. Thí sinh muốn xét tuyển vào trường nào cần vào trang web của trường đó để tìm hiểu chi tiết về ngành, chỉ tiêu, điều kiện và thời gian xét tuyển cụ thể. Thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển tại trường hoặc gửi qua đường bưu điện.

Thí sinh lưu ý trong thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung, các trường sẽ công bố thống kê số lượng thí sinh nộp hồ sơ theo ngành trên trang web của mình. Thí sinh cần theo dõi thống kê này để xem cơ hội trúng tuyển của mình. Trong trường hợp nhận thấy khả năng trúng tuyển không còn hoặc muốn xét tuyển vào ngành hoặc trường khác, thí sinh được quyền rút hồ sơ đã nộp để nộp vào nơi khác.

Các trường có thể xét tuyển bổ sung trong nhiều đợt, thời gian xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày. Sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ, các trường sẽ xét điểm thi từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu, không có trường hợp ưu tiên cho thí sinh nộp hồ sơ trước. Thí sinh ở xa gửi hồ sơ qua bưu điện, thời gian tính để xét tuyển là ngày ghi trên bì thư.

Theo MINH GIẢNG (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập.