Cuộc đời sau tay lái: Kỳ 4: Nghề tài xế, ẩu một giây ân hận cả đời

Thời điểm ấy, khóa học bước vào thực tập tay lái. Học sinh được biên chế mỗi tổ 10 người/xe tải tự quản, tập lái ở một sân bay bỏ hoang rất rộng. Trưa hôm ấy đến phiên Vinh tập thì hết giờ, người tập trước lùi xe dưới rặng bạch đàn ven bãi tránh nắng. Ăn trưa xong, mỗi đứa mỗi nơi tìm chỗ ngủ. Thùng xe hết chỗ, vài học viên chui xuống gầm xe lót bạt nằm nghỉ. Đến giờ tập, Vinh chơi đâu đó rồi lên xe, không cần quan sát trước sau cứ thế mà nổ máy và cho xe chạy! Chiếc mũ cối của Nhâm “còi” bị cán kêu “rôm rốp”. Những người nằm dưới gầm xe nghe động đã phản xạ kịp thời, rụt chân ra khỏi làn bánh. Tất cả hoảng vía khi chiếc xe tự nhiên biến mất để lại mình trơ vơ dưới nắng chói chang. Các thầy dạy lái đang ngồi cà phê gần đó đã thất sắc khi biết sự thể. Thầy phụ trách kêu Vinh quay xe lại và cho mấy bạt tai để nhớ đời. Nhưng riêng thầy tổ trưởng thì không nương tình, quyết đuổi Vinh ra khỏi hàng ngũ lái xe tương lai với ý: “Một người ẩu như Vinh sớm muộn cũng gây tai họa cho người khác”.

Cha Vinh từ Quãng Bình tức tốc vào trường, hết lòng van nài các thầy cô trong hội đồng kỷ luật, nhờ vậy Vinh mới được lưu dung học tập. Cũng từ đó Vinh bắt đầu có biệt danh là Vinh “ẩu”.

Quả như lời thầy tổ trưởng “tiên tri”, bởi cái tính ẩu của Vinh không tài nào sửa được… Vinh ra trường gặp lúc cả nước chuyển sang nền kinh tế thị trường. Đẹp trai cao ráo, giỏi võ và ngoại ngữ giao tiếp tốt, Vinh được Ban quản lý dự án (các Công trình thủy lợi của một tỉnh Miền Trung) tuyển vào lái xe con. Tính vui vẻ, hào phóng hay giúp đỡ mọi người, anh nhanh chóng chiếm được cảm tình hầu hết người trong cơ quan. Nhất là ông Trưởng ban (vốn mù ngoại ngữ) luôn tự hào mình có một phiên dịch giỏi, đi đâu cũng đem Vinh theo và dự định sẽ đào tạo anh làm thư kí riêng cho mình.

Nhưng chuyến xe đầu tiên đưa thủ trưởng công tác Hà Nội, đã đặt dấu chấm hết cho công việc đang đà thuận lợi của Vinh và của cả thủ trưởng mình!

Đó là chiếc xe việt dã hai cầu mới toanh do Hàn Quốc sản xuất, Vinh vô tư chất đủ thứ hàng hóa, hành lí lên trần (mui) xe cho chuyến công tác tranh thủ ghé thăm quê vợ của thủ trưởng. Phấn khởi chuyến đi xa đầu tiên với chiếc xe mới, biển số xanh, Vinh như chú ngựa sung sức chồn chân tung vó lâu ngày, nay vô tư đạp ga phóng thoải mái mà quên rằng trọng tâm xe mình đã dịch chuyển lên cao do chất hàng hóa, hành lí trên trần.

Xe cứ thế mà vi vu trên quốc lộ, tiếng cười nói râm ran của vợ con thủ trưởng làm không khí trên xe thêm hào hứng cho chuyến đi. Xe qua cầu Trắng rồi sắp đến cầu Thạch Hãn (Quảng Trị), bỗng thủ trưởng hứng chí muốn chiêu đãi vợ con món “lòng thả” nổi tiếng của xứ này. Ông ra hiệu cho Vinh rẽ phải chạy vào khu trung tâm Cổ Thành.

Đến ngã rẽ, Vinh không cho xe giảm tốc mà để nguyên tốc độ cứ thế ôm cua. Tiếng “rin… rít” phát ra từ cặp bánh trước bị mất lực bám, trượt ngang trên mặt đường. Đã thế Vinh lại thiếu kinh nghiệm xử lí, thay vì lấy thẳng lái cho xe chạy thẳng theo đà quán tính của nó thì cứ ôm cua và đạp phanh. Chiếc xe như con lật đật, lăn quay qua giao lộ mấy vòng rồi lật nghiêng bên kia đường!

Sự việc xảy ra quá nhanh đến nỗi não trạng của Vinh chưa kịp thay đổi trạng thái, vẫn còn lưu giữ cảm giác ấm cúng, vui vẻ trên xe trước đó mấy giây. Vinh không sao tin nổi cảnh tượng hãi hùng đang diễn ra trước mắt mình. Xe cấp cứu hụ từng hồi còi, những đứa bé và cha mẹ chúng được lôi từ xe ra áo quần nhuộm tươi một màu đỏ, nằm bất động, môi vẫn còn phảng phất nụ cười!

Đau thương đó vẫn chưa phải là hết, Vinh đã xỉu ngay khi thấy dưới hông xe mình còn có cậu thiếu niên và một người đàn ông trung niên đang giẫy giụa tay còn cầm ghi đông chiếc xe đạp.

Sau cấp cứu, gia đình thủ trưởng được đưa lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Lâu ngày rồi cũng bình phục những vết thương gãy xương hở. Riêng thủ trưởng, do ngồi ghế trước không thắt dây an toàn, bị đập mạnh đầu vào kính trước gây chấn động não. Xuất viện ông cười nói không tự chủ, thế là đành phải giã từ sự nghiệp đang trên đà thăng tiến.

Tuy nhiên, việc gây đại họa cho gia đình thủ trưởng chưa phải là nguyên nhân chính khiến Vinh phải vào tù  bóc lịch khá lâu, rồi ra tù mãi sống trong nỗi ân hận.

Cậu thiếu niên bị xe Vinh đè chết hôm ấy là con độc nhất của một gia đình nghèo, mẹ là thương binh, nhà ở vùng hạ lưu Đập Trấm. Hè tới cậu lên cấp ba trường huyện học. Gia đình thật nghèo nhưng cố gắng dành dụm xuống thị xã mua cho con chiếc xe đạp đi học. Hôm ấy, hai cha con đang hân hoan đạp xe về nhà thì gặp nạn. Người cha gầy gò ấy, sau thời gian điều trị bác sĩ đành phải cưa cụt cả hai chân. Người mẹ vốn bị nhiễm chất độc da cam, da thường xuyên tím tái, ôm ngực thở dốc suốt ngày. Không chịu nổi cơn sốc cực độ đó, bà đã tắt thở ngay khi nghe hung tin!

Mất nhiều công sức, tòa mới tìm ra được người họ hàng xa đại diện cho người bị hại. Phiên tòa hôm ấy Vinh không dám hé một lời, chấp nhận trả giá mọi tội lỗi của mình. Ba năm ngồi tù quá đủ cho Vinh chiêm nghiệm cuộc đời. Mới ra tù, lương tâm đã thôi thúc Vinh tìm thăm gia đình người bị nạn, để thắp một nén nhang xin lỗi người xấu số cho lòng bớt nỗi dằn vặt. Nhưng thật nghiệt ngã! anh lại đối diện thêm chuyện đau lòng khác, hệ quả cũng từ vụ tai nạn do mình gây ra.

Năm xưa khi tai họa chưa ập đến, tuy nghèo nhưng gia đình nạn nhân sống êm đềm bên mái tranh nghèo ven dòng Thạch Hãn. Đêm đêm người chồng đóng nò, đơm đáy. Tờ mờ sáng sương trắng còn phủ mặt sông, dân hai bên bờ đã quen nghe tiếng còng đuổi cá rộn ràng, phấn chấn của anh. Rồi trên con đò nhỏ, anh trở về nhà đưa người vợ thân yêu tới chợ bán tôm cá. Cả hai vợ chồng lại hân hoan trở về nhà sau phiên chợ, khi đã bán hết cá tôm và không quên mua món quà nho nhỏ cho cậu con trai…

Ngày từ bệnh viện trở về, nhìn cảnh điêu tàn trống vắng mái ấm xưa, nhìn di ảnh vợ con trên bàn thờ, người chồng không sao chịu được nỗi đau mất mát và nỗi cô đơn quạnh quẽ. Thêm vào đó đôi chân đã mất, việc đi lại bằng xe lăn thật khó khăn ở vùng trung du gập ghềnh sỏi đá, và anh đã chuyển xuống ở hẳn dưới con đò nhỏ, âm thầm sống tiếp bằng nghề giăng câu, bủa lưới. Đêm đêm lạnh lẽo sóng vỗ mạn đò làm anh thức giấc, nhìn dòng sông lặng lẽ trôi mà ngẫm tới sao dòng đời mình lại gập ghềnh trắc ẩn đến vậy. Anh chọn rượu giải khuây. Lúc say, lúc tỉnh tự hỏi đời này có ai gặp cảnh da diết như mình!...

Một đêm tháng chín, bầu trời đang trong xanh đột nhiên đầy giông bão, nước từ thượng nguồn ào về reo như thác đổ, sáng ra dân xóm chài tìm mãi không thấy bóng dáng con đò nhỏ của người tàn tật…

Nghe người xóm chài kể về tình cảnh của anh; nhìn căn nhà hoang xiêu vẹo chìm trong mưa phùn gió bấc, lối mòn xuống bờ sông gia đình họ thường đi bên nhau đã bị cỏ dại lan kín, trái tim Vinh tê buốt, nguyện với lòng không bao giờ cầm lái nữa.

Trần Kiêm Hạ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm