Đơn, thư nặc danh tố cáo tham nhũng được chấp nhận

Theo đó, đáng chú ý, thông tư sửa đổi quy định về điều kiện xử lý đơn khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, đơn tố cáo phải ghi rõ nội dung tố cáo; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo, hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo (theo quy định hiện hành, đơn tố cáo phải ghi đầy đủ tên, địa chỉ người tố cáo thì mới đủ điều kiện xem xét, xử lý).

Quy định cũng nêu rõ: Đơn tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo hành vi tham nhũng, hành vi tội phạm thì được xử lý theo quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật tố tụng hình sự. Người xử lý đơn tố cáo phải giữ bí mật tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo; bảo vệ người tố cáo và người thân của người tố cáo khi có yêu cầu.

Đơn kiến nghị, phản ánh cũng không phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người phản ánh kiến nghị như quy định hiện hành nữa mà chỉ cần ghi rõ nội dung phản ánh, kiến nghị là đủ điều kiện được xử lý.

Một điểm mới nữa về đơn đủ điều kiện xử lý là đơn đã được xử lý nhưng người khiếu nại, tố cáo có quyền khiếu nại, tố cáo tiếp theo quy định của pháp luật (theo quy định hiện hành trường hợp này người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải cung cấp được tài liệu, chứng cứ mới đơn mới được xử lý).

Cũng theo quy định mới, đơn đã gửi cho nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân trong đó đã gửi đúng nơi giải quyết và đơn đã được hướng dẫn một lần về cùng nội dung thì sẽ không đủ điều kiện xử lý.

  Đơn tố cáo nặc danh cũng được xem xét, xử lý. Ảnh minh họa: quangngai.gov.vn

Thông tư 07 cũng quy định một điểm mới so với quy định hiện hành về phân loại đơn khiếu nại, tố cáo. Theo quy định hiện hành, có hai loại đơn là đơn có họ tên, chữ ký của một người và đơn có họ tên, chữ ký của nhiều người. Tuy nhiên thông tư mới mở ngoặc thêm ở đơn nhiều người là đơn “từ 05 người trở lên”.

Về xử lý đơn tố cáo, khi xử lý đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại, đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước, sức khỏe, tài sản nhân dân thì phải kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất thủ trưởng, đơn vị có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, đơn tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại không đạt được mục đích, công dân chuyển sang tố cáo người giải quyết khiếu nại nhưng không cung cấp được thông tin, chứng cứ, tài liệu chứng minh cho việc tố cáo của mình thì người có thẩm quyền không thụ lý giải quyết nội dung tố cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều