Nhiều nghị định về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực

Nghị định 99 về XPVPHC trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, với mức phạt cao nhất cho lĩnh vực này là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm, có hiệu lực thi hành ngày 15-10. Các hành vi bán, chào hàng, vận chuyển, trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền hoặc giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sẽ bị xử phạt tiền 4-250 triệu đồng tùy giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm...

Nghị định 98 về XPVPHC trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, có hiệu lực thi hành ngày 15-10. Theo đó, mức phạt 180-200 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi cố ý thông tin kết quả trúng thưởng sai lệch. Phạt đến 100 triệu đồng đối với cá nhân cho hành vi cung cấp thông tin dự đoán trước kết quả xổ số hoặc trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm khi có hành vi gian dối, giả mạo tài liệu trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm...

Nghị định 97 quy định việc XPVPHC trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng có hiệu lực thi hành từ ngày 10-10. Nghị định này xử phạt các vi phạm về tìm kiếm, khai thác dầu khí; sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng, dầu, gas với mức xử phạt cao nhất lên đến 1 tỉ đồng đối với hành vi vi phạm về khai thác dầu khí. Bán lẻ xăng dầu không đúng giá niêm yết bị phạt 5-10 triệu đồng. Chuyển tải, sang mạn xăng dầu không đúng vị trí quy định bị phạt 20-30 triệu đồng; buôn bán trao đổi xăng dầu trên biển với tàu thuyền nước ngoài cũng bị xử phạt đến 40 triệu đồng tùy vào giá trị vi phạm…

Nghị định 95 về XPVPHC trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực ngày 10-10. Theo đó, doanh nghiệp không trả lương đúng hạn; huy động NLĐ làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định của Bộ luật Lao động hoặc quá 12 giờ/ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ sẽ bị xử phạt đến 50 triệu đồng. NLĐ đi làm việc ở nước ngoài sẽ bị phạt 80-100 triệu đồng nếu ở lại nước ngoài trái phép; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc; sau khi nhập cảnh không đến nơi làm việc; lôi kéo, ép buộc, lừa gạt NLĐ Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị buộc phải về nước; cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn hai năm hoặc năm năm...

ĐĂNG LIÊN giới thiệu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều