Những vi phạm về xây dựng bị cưỡng chế phá dỡ công trình

Theo nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động XD; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất kinh doanh vật liệu XD..., mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động XD là 1 tỉ đồng; trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất kinh doanh vật liệu XD; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở là 300.000.000 đồng. Mức phạt đối với cá nhân bằng ½ tổ chức.
Ngoài ra, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có biện pháp buộc phá dỡ công trình XD, bộ phận công trình XD vi phạm.
Vậy, những trường hợp vi phạm như thế nào thì sẽ bị áp dụng biện pháp này?

Những vi phạm về xây dựng bị cưỡng chế phá dỡ công trình ảnh 1
Một trường hợp xây dựng đang bị cưỡng chế phá dỡ. Ảnh: minh họa 

Theo nghị định 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, nhưng trường hợp vi phạm sau đây sẽ bị cưỡng chế phá dỡ.

Công trình XD không có Giấy phép XD (GPXD)

Những công trình XD theo quy định phải có GPXD, khi XD không có GPXD, sẽ bị xử lý lập biên bản ngừng thi công XD, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ công trình XD vi phạm.

Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công XD phải bị đình chỉ thi công XD, buộc phá dỡ công trình XD vi phạm đồng thời, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến XD công trình. Cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công XD;
Cưỡng chế phá dỡ nếu chủ đầu tư không thực hiện quyết định đình chỉ thi công XD. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ (nếu có) và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.
Trường hợp đối với những công trình XD không có GPXD nhưng đủ điều kiện để cấp GPXD theo quy định thì bị lập biên bản ngừng thi công XD, yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục xin cấp GPXD. Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày có quyết định đình chỉ thi công XD, chủ đầu tư không xuất trình GPXD do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị cưỡng chế phá dỡ.
Sau khi được cấp GPXD, nếu công trình đã XD sai nội dung GPXD thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai nội dung GPXD. Sau khi tự phá dỡ công trình sai nội dung GPXD, chủ đầu tư mới được tiếp tục thi công XD. Trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ phần sai nội dung GPXD được cấp thì phải bị cưỡng chế phá dỡ và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ;
Trường hợp chủ đầu tư bị từ chối cấp GPXD hoặc không có GPXD thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ công trình vi phạm, nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ.

Những vi phạm về xây dựng bị cưỡng chế phá dỡ công trình ảnh 2
Ảnh minh họa 

Công trình XD sai nội dung GPXD
Công trình XD sai nội dung GPXD sẽ bị lập biên bản ngừng thi công XD, yêu cầu tự phá dỡ phần công trình sai nội dung GPXD.
Trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ phần công trình sai nội dung GPXD được cấp phải bị cưỡng chế phá dỡ. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ. Tùy mức độ vi phạm, chủ đầu tư còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.
Công trình XD sai thiết kế, sai quy hoạch
Những công trình XD sai thiết kế, sai quy hoạch chi tiết XD tỷ lệ 1/500 sau đây sẽ bị lập biên bản ngừng thi công XD và yêu cầu tự phá dỡ:
Công trình XD thuộc dự án đầu tư XD công trình sai thiết kế cơ sở hoặc thiết kế kỹ thuật đã phê duyệt;
Công trình XD thuộc dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu nhà ở sai quy hoạch chi tiết XD tỷ lệ 1/500 được phê duyệt.
Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công XD công trình thì bị đình chỉ thi công XD, buộc tự phá dỡ công trình vi phạm.
Trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ công trình vi phạm, công trình phải bị cưỡng chế phá dỡ. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.

Những vi phạm về xây dựng bị cưỡng chế phá dỡ công trình ảnh 3
Ảnh minh họa 

Công trình ảnh hưởng công trình lân cận; ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư
Công trình XD gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công XD để thực hiện bồi thường thiệt hại; khắc phục hậu quả.
Nếu không thực hiện được những điều này cũng sẽ bị buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm.
Thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị quy định theo nghị định 180/2007/NĐ-CP như sau:
Chủ tịch UBND cấp xã có quyền:

- Quyết định đình chỉ thi công xây dựng đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc địa bàn mình quản lý; quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc địa bàn do mình quản lý.

- Tổ chức thực hiện cưỡng chế tất cả các công trình xây dựng vi phạm theo quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện và Chánh thanh tra Sở Xây dựng.

- Xử lý cán bộ dưới quyền được phân công quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra vi phạm mà không xử lý kịp thời, dung túng bao che cho hành vi vi phạm.

- Kiến nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị vượt thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều