25 tháng chạp nghe kể chuyện gói bánh tét cúng ông bà

Một buổi nói chuyện đầy thú vị về đặc trưng ngày Tết đã diễn ra với sự tham gia của hơn 300 người là lãnh đạo, nhân viên của tập đoàn Phúc Khang tại khu đô thị Làng sen Việt Nam, cùng nhiều đội dự thi gói bánh tét đến từ các huyện trên địa bàn tỉnh Long An.

Mở đầu câu chuyện, diễn giả Hồ Nhựt Quang nói ngay về việc gói bánh tét ngày Tết. Theo diễn giả, bánh tét là cái hồn của bánh chưng, bánh chưng hình vuông, bánh giày hình tròn; vuông là tượng trưng cho đất, tròn tượng trưng cho trời; triết lý vuông tròn đó có từ thời Hùng Vương hữu lễ, tức là lễ nghĩa được sinh ra từ thời kỳ Hùng Vương vẫn được chúng ta gìn giữ đến ngày nay.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang chia sẻ trong chương trình.

Không chỉ vậy, bánh tét chứa đựng cả thuyết âm dương, tam tài, ngũ hành với năm màu sắc: màu xanh của lá gói bánh (lá dứa, lá dong hoặc lá chuối), của nếp được bỏ màu khi gói, màu vàng đậu xanh nhân bánh, hai màu đỏ, trắng của thịt ba rọi làm nhân bánh và màu đen của tiêu trộn vào nhân đậu xanh hoặc ướp thịt nhân bánh. Đó là năm màu của ngũ hành trong triết học phương Đông: hỏa (màu đỏ), thủy (màu đen), mộc (màu xanh), kim (màu trắng), thổ (màu vàng)...Chiếc bánh tuy nhìn giản đơn nhưng thấm đẫm triết lý của người miền Nam về con người và cuộc sống.

Một vấn đề được nhắc đến không kém phần quan trọng đó việc sắp chén để cúng trên bàn thờ. Thông thường khi cúng đất đai cai quản vùng đất mình ở, ở giữa nhà thì có bàn để cúng thường để 5 chén, 5 chén này tượng trưng cho “phú - quý - thọ -  khang - ninh”. Phú là giàu mà giàu ra đường người ta quý, thọ sống lâu nhưng mà khang, nghĩa là phải khỏe mạnh, ninh có nghĩa là an toàn và bền vững.

Cúng trên bàn thờ cửu huyền thì đặt 4 chén, 4 chén tượng trưng cho bên nội hai người ông - bà, bên ngoại một ông một bà. Nhà nào cúng hội thì cúng ông bà để 6 chén, 6 chén tượng trưng cho lục hòa: khẩu hòa-nói hợp lời nhau, ý hòa – làm gì cũng tôn trọng ý kiến hòa lại với nhau, thân hòa- yêu thương nhau, lợi hòa-có chuyện gì hay làm ăn kiếm tiền được thì chia nhau có kẻ cơm người cháo, kiến hòa- có kiến thức cùng chia sẻ, giới hòa- giữ giới luật đừng vì lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng người khác.

Các đội thi đến từ huyện Đức Hòa gói bánh tét trong ngày 25 Tết.

Ngày 23 tháng chạp, dân ta làm lễ cúng tiễn ông Táo bay về trời, ngày 30 rước ông Táo về là rước lửa mới về. Ông Táo đi ngày 23 được hiểu là ngày của vua đi, vua đi mùng 5, 14, 23; mùng 5 (tức ngũ phúc trong phú - quý - thọ - khang - ninh), 14 là (1+4 ra 5), ngày 23 là (2+3 ra 5).

Mùng ba Tết, gia đình lại cúng con gà. Bởi lẽ, con gà có giá trị của ngũ đức, ý nghĩa của năm đạo lớn mà con người cần có: Mào gà đỏ chót tượng trưng cho văn, móng gà sắt nhọn tượng trưng cho võ, gà đấu là đấu tới cùng tượng trưng cho dũng khí, gà có gì ăn ngon gáy lên cho đồng đội cùng tới ăn là nó có nghĩa, đúng vào giờ bình minh báo mọi người thức dậy là giữ chữ tín. Cho nên con gà có văn, có võ, có tình nghĩa, có dũng mãnh và giữ chữ tín nữa là năm cái đạo lớn rất là quý cần có ở con người.

Nhiều người hiện này còn băn khoăn về việc đặt bình bông và dĩa trái cây cúng trên bàn thờ sao cho đúng. Có người thì “Đông bình Tây quả”, chạy ra ngoài coi hướng nào là hướng đông để bình bông hướng đó thì nó sai đi. Đây không phải là hướng của địa lý bình thường mà là hướng của địa lý trong tâm tưởng nhớ về nguồn cội của mỗi người.

Một số tiết mục văn nghệ được đan xen trong chương trình nói chuyện văn hóa.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang giải thích thêm: “Dân ta từ Bắc vào trong Nam khai khẩn sinh sống, lập cái bàn thờ ở đây là chúng ta tọa Nam hướng Bắc, hướng phía trước nhà là hướng Bắc, lúc ấy ta đặt lễ vật cúng cho phù hợp. Việc đặt dĩa trái cây và bình bông ở đâu là chúng ta đã tỏ cái tấm lòng nhớ về nguồn cội”.

Chị Hoàng Thùy Trang đến từ đội thi xã Mỹ Hạnh Bắc (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) hồ hởi chia sẻ: “Dù là phụ nữ trong gia đình, nhưng thực sự nhiều nghi thức cúng ông bà, ý nghĩa của việc gói bánh tét ngày Tết vẫn chưa được hiểu sâu rộng như vậy. Đến với chương trình, chị cùng gia đình mình tham gia gói bánh tét dự thi với mong muốn gắn kết các thành viên trong gia đình, tìm hiểu thêm nhiều kiến thức mới về các lễ nghi cúng bái trong ngày Tết”.

Lồng ghép vào đó là các tiết mục biểu diễn minh họa như: Nam Quốc Sơn Hà, Xuân Làng Sen, Nghĩa Làng Sen, Tạ ơn thầy… nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ người tham dự. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm