Ai làm cho cải lương quẫy đạp trở lại?

Chỉ một thời gian ngắn sau khi rạp Hưng Đạo được đập bỏ để xây mới vào năm 2010, cải lương ở thánh địa Sài Gòn đã rơi vào cảnh thoi thóp rồi hôn mê sâu nhiều năm dài.

Gần đây, sân khấu cải lương bắt đầu thoi thóp, tỉnh dậy.

Nghệ sĩ và bầu tư nhân xắn tay áo

Nhiều nghệ sĩ từng dốc lòng vực dậy cải lương nhưng không được. Nghệ sĩ Vũ Luân đã bỏ tiền xây dựng một điểm diễn riêng cho đoàn cải lương của mình ở Công viên Lê Thị Riêng nhưng do điểm diễn không thuận lợi đành rã đoàn sau một thời gian ngắn. Năm ngoái, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cố công xây dựng một sân khấu cải lương định kỳ ở Nhà hát Nón Lá trong Cung văn hóa Lao động nhưng đành buông tay vì không tìm ra nghệ sĩ chịu chung vai gánh vác.

Không thể nhìn cải lương giãy chết, mới đây đạo diễn Lê Nguyên Đạt đã đem lại sinh khí cho cải lương khi mở sân khấu riêng Sen Việt ở rạp Công nhân. Tại đây, ông bầu này dựng vở Cõi thiêng, thực hiện chương trình cải lương Mãi mãi đam mê nhiều kỳ. Cũng tại rạp này, từ đầu năm 2016, nghệ sĩ Kim Tử Long tổ chức biểu diễn mỗi tháng một lần chương trình cải lương Về lại cội nguồn, quy tụ nhiều nghệ sĩ các thế hệ. Đến nay Về lại cội nguồn đã đi đến con số thứ tư, thứ năm.

Nhiều ông bà bầu cải lương cũng đã tìm đến rạp Công nhân thuê mướn rạp tổ chức các chương trình cải lương nhiều lần như Hoài Nhung, Cẩm Nhung…

Không chỉ tập trung tại rạp Công nhân, trong năm 2016, nhiếp ảnh sân khấu trẻ Lê Hoàng cũng liều mình mở sân khấu cải lương riêng ở Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh trên đường Đinh Tiên Hoàng. Đáng ghi nhận hơn là trong khi các nghệ sĩ, bầu show khác chỉ dám làm chương trình cải lương tổng hợp với nhiều trích đoạn thì Lê Hoàng mạnh dạn làm cải lương nguyên vở như Chung Vô Diệm, Ngọc Kỳ Lân… Hiện ông bầu Châu Liêm cũng tái xuất với chương trình cải lương tổng hợp diễn tại quận 6, cùng điểm diễn với sân khấu Kịch TKC của nghệ sĩ Trịnh Kim Chi…

Vở diễn Trung thần do một nhóm nghệ sĩ tư nhân ở Sài Gòn bỏ công gầy dựng sắp tới sẽ được đưa ra diễn ở Nhà hát Bến Thành. Ảnh: THẢO VÂN

Cải lương nhà nước vẫn trùm mền

Trong lúc các nghệ sĩ, bầu show tư nhân đang tích cực quẫy đạp để cải lương hết hôn mê thì Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang với ba đoàn cải lương 1, 2, 3 gần như không có các suất diễn bán vé ra khán giả ở Sài Gòn.

Thêm nữa, trong lúc giới làm cải lương TP.HCM luôn trông ngóng có một cái rạp tử tế với địa điểm thuận lợi để diễn, giá cho thuê vừa phải để cải lương kham nổi như rạp Hưng Đạo cũ thì cái rạp Hưng Đạo mới với kinh phí xây dựng hơn 130 tỉ đồng vẫn trùm mền hơn cả năm nay.

Đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, đã lý giải về chuyện này như sau: “Khi tôi về làm giám đốc nhà hát vào tháng 6-2014 thì kinh phí cấp cho nhà hát đã bị cắt giảm rất nhiều, chẳng còn bao nhiêu dành cho việc dựng vở. Nếu chia đều kinh phí đó cho cả ba đoàn để làm vở thì con số đầu tư cho mỗi vở cũng chẳng thể làm được cái gì cho nó thật sự đến nơi đến chốn. Nhà hát cũng không còn cái rạp Hưng Đạo để cho thuê lấy kinh phí thêm như trước kia để làm vở, hay có sẵn điểm diễn để làm chương trình bán vé ra công chúng như trước đó. Hơn nữa, tư nhân thì họ làm lời ăn lỗ chịu. Lỗ lần này họ làm lần khác để bù. Còn nhà nước như chúng tôi lương mỗi tháng chỉ vài triệu đồng.

Làm chương trình thì phải chắc chắn chỉ có lời, không được phép lỗ. Vì lỗ thì ai đứng ra chịu, ai bỏ tiền bù đây. Tuy vậy trong năm 2015, ba đoàn của nhà hát vẫn cố gắng dựng ba vở Chiến binh, Sống trong lòng địch, Đời như ý, vẫn tham gia Hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc. Các đoàn của nhà hát vẫn đi diễn phục vụ ở vùng sâu, vùng xa, vẫn có những chương trình diễn hợp đồng các nơi để hoàn thành chỉ tiêu doanh thu Sở giao cho hằng năm”.

Ông Trần Ngọc Giàu cho biết thêm là nhà hát đang chờ Sở Văn hóa và Thể thao giao lại rạp Hưng Đạo mới để sử dụng nhưng thời hạn giao là khi nào thì chưa biết.

Cứ có cải lương trên tivi là lượt xem rất cao

Theo quan sát của tôi thì lượng khán giả cải lương vẫn còn đông, nhu cầu coi cải lương vẫn còn nhiều. Hiện nay các game show, chương trình truyền hình thực tế tận dụng đưa cải lương vào chương trình của họ ngày càng nhiều. Mà cứ có cải lương là lượt xem chương trình rất cao. Tại sao họ làm được mà cải lương chuyên nghiệp không làm được. Tôi tổ chức diễn cải lương là vậy.

Muốn cải lương sống tốt, Nhà nước phải có cái rạp tốt cho nghệ sĩ cải lương mướn giá không cao để làm nghề. Nhà nước phải đầu tư những vở hay, hoành tráng, có trang phục, cảnh trí lộng lẫy. Đoàn nhà nước có cái khó của nó nhưng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang quá thụ động trong việc tìm kiếm kinh phí hoạt động.

Nghệ sĩ KIM TỬ LONG

_______________________________

Cải lương hiện nay không phải chỉ có khán giả bình dân mà có cả lượng khán giả trí thức. Có nhiều khán giả trí thức vẫn thường xuyên gọi điện thoại cho tôi hỏi thăm có gì xem không và đặt hàng làm cải lương. Song nếu tiếp tục làm tạm bợ, chắp vá như hiện nay, cải lương sẽ rất dễ chết. Số khán giả còn lại sẽ chán nản, mất luôn, không còn ai đam mê, không còn ai đi xem. Số khán giả tương lai sẽ không có hoặc bị hỏng thị hiếu về cải lương, hiểu biết về cải lương.

Đạo diễn, bầu show NGUYÊN ĐẠT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm