AliK3 và giấc mơ lớn cho ảo thuật Việt

Tại đây, những tiết mục mới mẻ với ảo thuật VN (làm biến mất người, đổi mặt người, cưa người, nhiều kiếm đâm qua người…) sẽ được giới thiệu.

Hơn 30 năm trước, AliK3 vốn là một anh chàng bán rong đồ nghề ảo thuật. Từ bán đồ nghề đến mê nghề, ông đã quyết tâm theo nghề và trở thành một nghệ sĩ ảo thuật nổi tiếng. Bây giờ, dẫu đã có tiếng, đời sống khá hơn nhưng ông vẫn chạnh lòng bởi so với các bộ môn nghệ thuật khác ở VN, chỗ đứng của ảo thuật vẫn còn khiêm tốn. Trong khi đó, theo AliK3: “Bây giờ, bất cứ ngón nghề ảo thuật nào thế giới làm được thì các ảo thuật gia VN cũng có thể làm được. Vấn đề là do nghệ sĩ thiếu kinh phí đầu tư và bộ môn này ít nhận được sự quan tâm từ công chúng đến ngành chức năng”.

Đem ảo thuật tiên tiến về VN

Buồn, tự ái, AliK3 tự học hỏi, sáng chế những món đồ nghề ảo thuật cao cấp như cái thùng làm biến mất người trên sân khấu hay cái thùng cưa người làm đôi… Đây là những ngón nghề mà ảo thuật Việt Nam trước đây chưa làm được, trừ một ảo thuật gia Việt kiều mang thiết bị từ nước ngoài về biểu diễn cách nay hơn 20 năm. Câu lạc bộ Ảo thuật VN ra đời năm 2006, do AliK3 đứng ra thành lập và là chủ nhiệm. Hiện câu lạc bộ có hơn 180 thành viên khắp cả nước thường xuyên gặp mặt, sinh hoạt định kỳ để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi nghề nghiệp và hỗ trợ nhau làm các chương trình biểu diễn. Câu lạc bộ còn có trang web aothuatvn.com là nơi quy tụ hàng trăm người yêu thích ảo thuật trong và ngoài nước tham gia qua mạng. Nhiều câu lạc bộ ảo thuật ở các tỉnh như An Giang, Bến Tre, Đồng Nai… đã ra đời nhờ vào sự đỡ đầu của câu lạc bộ.

AliK3 và giấc mơ lớn cho ảo thuật Việt ảnh 1

AliK3 đang biểu diễn trên sân khấu. Ảnh: CTV

Lần này, dẫu chưa được quy mô, hoành tráng, AliK3 vẫn cố gắng chi vài trăm triệu đồng làm live show tại rạp bạt để không chỉ bản thân mà anh em đồng nghiệp cũng có thể đến với công chúng như những nhân vật chính được tôn vinh nhằm nguôi phần nào mặc cảm chỉ là người “lót đường”. Trong live show, nhiều gương mặt mới trong làng ảo thuật VN sẽ được giới thiệu đến công chúng. Giá vé live show của ông không cao để công chúng bình dân cũng có thể tiếp cận ảo thuật một cách chính thống trên sân khấu chuyên biệt.

Trong live show này, AliK3 sẽ tiết lộ nhiều bí mật đằng sau những “phép màu” ảo thuật. Ông sẽ trả lời bất cứ câu hỏi nào của khán giả về ảo thuật vì: “Ảo thuật không có gì ghê gớm mà chỉ là nghệ thuật sử dụng những thiết bị kỹ thuật, hay hoặc dở tùy thuộc tâm hồn và tính sáng tạo của mỗi nghệ sĩ…”.

Ảo thuật Việt có cơ hội vươn xa

Có mặt tại VN từ đầu thế kỷ 20 đến nay nhưng ảo thuật Việt chưa bao giờ có vị thế chính như những loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Đến giờ, ảo thuật vẫn phải ké theo xiếc trong Liên đoàn Xiếc - Ảo thuật VN. Trong khi nhiều đoàn xiếc khắp cả nước còn có hẳn những rạp biểu diễn riêng biệt thì ảo thuật không dám mơ có một đoàn riêng hay một mái nhà. Cho tới nay, cũng chưa có trường lớp chính quy nào trong nước đào tạo ảo thuật trong khi các loại hình biểu diễn khác đều có.

Riêng trong đời sống văn nghệ giải trí, khi đến với công chúng, ảo thuật luôn chỉ là tiết mục phụ so với các loại hình biểu diễn khác như ca nhạc, cải lương… trong các chương trình biểu diễn. Có những lúc, nghệ sĩ ảo thuật đã bày dụng cụ ra, sẵn sàng biểu diễn nhưng khi ca sĩ giành phần, họ vẫn phải ngậm ngùi lùi về phía sau bởi ảo thuật luôn chỉ được xem là phần biểu diễn ké sân khấu của các loại hình khác. Đến nay, nhắc tới ảo thuật, gần như khán giả chỉ nghe nhiều đến tên hai nhà ảo thuật trong nước là Tony Quang và Z27. Và trước AliK3, cũng chỉ có hai nhân vật ảo thuật tên tuổi này mới đủ khả năng tự làm live show ảo thuật cho mình để không mang tiếng ăn ké. Vậy nên thoát khỏi kiếp ăn ké luôn là mong muốn cháy bỏng của giới ảo thuật VN.

Theo AliK3, việc làm nghề ảo thuật ngày nay có nhiều thuận lợi hơn so với thế hệ của ông. Hơn 20 năm trước, người làm nghề ảo thuật VN phải học truyền nghề hoặc tìm mua sách ảo thuật của nước ngoài. Bản thân ông phải tìm mua sách ảo thuật tiếng Anh, Pháp, Hoa ở các hiệu sách cũ về thuê người dịch ra để học. Thế nên, ảo thuật VN khá nhàm chán và người gọi là giỏi chỉ có khoảng 40 trò. 10 năm trở lại đây, thông qua Internet, băng đĩa nhập từ nước ngoài, muốn học một trò ảo thuật, người ta có thể lên mạng mua bản quyền từ chính chủ nhân hay hãng sáng chế. Nhờ thế, ảo thuật VN phát triển rất nhanh. Những ảo thuật gia mới vào nghề đã có khoảng 200 trò làm vốn, còn những người làm nghề lâu năm có thể sở hữu gần 1.000 trò. Vì thế, ảo thuật đang trở nên bình dân và gần gũi với mọi người. Hiện rất dễ bắt gặp trên đường phố, trong các quán cà phê những nhà ảo thuật nghiệp dư biểu diễn cho mọi người để thỏa đam mê ảo thuật.

AliK3 đang ấp ủ dự định sẽ giới thiệu thêm nhiều thành viên nổi trội của Câu lạc bộ Ảo thuật VN vào Hội Ảo thuật quốc tế IBM mà ông đang là thành viên. Được vậy, giới ảo thuật VN mới có cơ hội vươn ra thế giới.

AliK3 tên thật là Lê Văn Lăng, 62 tuổi đời và 40 năm tuổi nghề. Ông từng phải diễn lót ảo thuật cho nhiều đoàn cải lương vào thập niên 1980. Sau đó, ông theo chân các đoàn ca nhạc tổng hợp, các đội nhóm ca khúc chính trị diễn ảo thuật tại các nhà hát, sân bãi, hội chợ tạp kỹ… từ Nam chí Bắc. Sau nữa, ông về TP.HCM diễn ở các tụ điểm ca nhạc, nhà hàng, khách sạn, các sự kiện quảng cáo và diễn cho cả khách Tây xem...

Rảnh rỗi ông lại lên mạng tìm hiểu các chương trình, kỹ thuật ảo thuật mới của thế giới để học hỏi hay đặt hàng mua về VN biểu diễn. Chính nhờ những mối quan hệ trên mạng với thế giới ảo thuật bên ngoài, ông được những người bạn ảo thuật ở Mỹ tin tưởng giới thiệu và trở thành hội viên Hội Ảo thuật quốc tế IBM (Mỹ) năm 2008.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm