Ẩu tả với lời bài hát...

Một phần vì ca từ của nhiều ca khúc “đương đại” do các ca sĩ tự sáng tác hay một số nhạc sĩ trẻ viết với lời lẽ khá ngô nghê, buồn cười, khi hát lên thêm sự sửa giọng của ca sĩ lại càng khó nghe. Nhất là bây giờ các ca sĩ hát thì ít, nhảy nhót thì nhiều.

Không chỉ các ca sĩ mới mà cả nhiều ca sĩ thành danh hình như cũng coi chuyện hát là phụ, phát âm nhiều lúc ngọng nghịu buồn cười. Thậm chí ca sĩ Lam Trường nghe đâu đã từng đi Mỹ học bổ túc về thanh nhạc nhưng nghe anh ta hát sửa giọng cứ như người nước ngoài hát tiếng Việt!

Một chuyện khác nghe cũng khá kỳ cục là nhiều nữ ca sĩ hát những bài hát mà tác giả xưng ngôi thứ nhất là “anh” đã bị các cô đổi thành “em”, nó hoàn toàn không phù hợp với ngữ cảnh của bài hát. Có thể nêu trường hợp nữ ca sĩ hải ngoại Ngọc Lan (đã mất) - một giọng hát trong trẻo, nũng nịu rất dễ thương, dễ đi vào lòng người. Khi hátBài không tên số 2 của Vũ Thành An, cô đã đổi gần hết từ “anh” thành “em” nghe rất buồn cười. Trong bài hát, nhạc sĩ nhắc lại những kỷ niệm xưa và có đoạn điệp khúc tỏ ra trách móc người xưa đã đi lấy chồng: “Này em hỡi, con đường em đi đó đúng hay sao em?” đã được Ngọc Lan sửa thành “...Con đường anh đi đó đúng hay sao anh?”. May mà đoạn kế tiếp “Mưa bên chồng có làm em khóc?...” không bị cô sửa thành “anh khóc”!

Không tính đến việc nhà sản xuất cẩu thả hay thiếu hiểu biết đã chép sai lời hát, chuyện khá phổ biến trong các đĩa karaoke hay in sai trong các tập nhạc do lỗi morasse, thì việc các ca sĩ - nhất là các ca sĩ đã thành danh - hát những ca khúc bất hủ nhưng hát sai lời do thiếu hiểu biết nhưng không chịu tìm hiểu. Chắc không ít quý độc giả - nhất là những độc giả có tuổi - đã từng khó chịu, bực mình khi phải nghe ca sĩ hát sai lời bài hát mà mình yêu thích. Xin nêu ra đây vài trường hợp điển hình liên quan tới các ca sĩ nổi tiếng và khá nghiêm túc. Đó là trường hợp bàiCon thuyền không bến -một ca khúc bất hủ của nhạc sĩ tài hoa yểu mệnh Đặng Thế Phong - có câu “... trên con sông Thương nào ai biết nôngsâu?” đã bị ca sĩ Hồng Hạnh hát thành “...nào ai biết sông sâu”. Tôi đã xem và nghe kỹ ca khúc do Hồng Hạnh hát được phát trên truyền hình mấy năm trước. Một trường hợp khác cũng khá đáng trách, do không chịu tìm hiểu. Đó là ca sĩ Quang Dũng hát ca khúcXóm đêm rất nổi tiếng của Phạm Đình Chương. Bài hát có câu: “...qua phên vênhcó hai mái đầu/ Hắt hiu vàng ánh điện câu”, Quang Dũng đã hát thành “... qua chênh vênh có hai mái đầu...”. “Phên” là tấm che được đan bằng tre, những nhà nghèo thời những năm 1950 ở Sài Gòn - thời gian mà nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết ca khúcXóm đêm - một xóm nghèo trong con ngõ nhỏ, nhiều vách nhà được che bằng tấm phên, lâu ngày mưa nắng nó bị cong vênh lên tạo thành một khe hở, nhạc sĩ nhìn qua khe phên vênh ấy, thấy có hai mái đầu chụm lại dưới ánh đèn “hắt hiu vàng ánh điện câu”. Có lẽ nhiều bạn trẻ hôm nay cũng không hiểu ánh “điện câu” là gì. Bởi bấy giờ nhiều khi cả xóm chỉ có một công tơ điện, chủ công tơ ấy cho nhiều nhà câu điện nhờ, mỗi nhà chỉ có một bóng đèn vàng vọt, hắt hiu!

Nêu lên một vài trường hợp trên, tôi chỉ mong muốn các bạn ca sĩ khi diễn cảm (chứ không phải trình diễn, biểu diễn) một ca khúc cần tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của ca khúc và tâm thế của tác giả khi viết ca khúc ấy thì sẽ dễ dàng đưa ca khúc ấy vào tâm hồn người nghe. Và bạn chắc sẽ thành công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm